Tại các buổi giám sát của HĐND TP HCM ở chợ đầu mối, chợ truyền thống gần đây, các quận - huyện liên tục phàn nàn về công tác xét nghiệm thực phẩm. Cụ thể, thời gian chờ đợi lâu, kết quả xét nghiệm của các phòng chỏi nhau, chi phí cao… gây khó khăn trong công tác xử lý thực phẩm vi phạm.
Trao đổi với phóng viên ngày 14-3, PGS-TS-DS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM, thừa nhận số lượng phòng xét nghiệm tại TP nhiều, công tư lẫn lộn, phức tạp, không công nhận kết quả lẫn nhau. Bà Lan cũng từng nghe một số phản ánh về tình trạng giấy xét nghiệm khống khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Do đó, một trong những nhiệm vụ đầu tiên của ban là “lập lại trật tự” trong lĩnh vực xét nghiệm thực phẩm.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM sẽ cùng các sở - ngành thống kê lại năng lực đang có, thế mạnh của từng phòng xét nghiệm và công bố cho doanh nghiệp (DN) biết để gửi mẫu đúng chỗ; đồng thời xây dựng quy trình tiếp nhận thông tin từ các phòng kiểm nghiệm. Điều quan trọng là liên thông được kết quả từ các phòng xét nghiệm để có hệ thống dữ liệu chung, từ đó phân tích xu thế, chỉ tiêu, mặt hàng và DN nào thường xuyên vi phạm để tăng cường kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra, không phải lúc nào cũng gửi mẫu đến phòng xét nghiệm để có kết quả định lượng mà cần sử dụng các phương pháp kiểm tra nhanh. Dù các “kit” kiểm tra nhanh không bao phủ hết chỉ tiêu nhưng hầu hết các vấn đề nổi cộm đã có “kit” thử và có giá trị sàng lọc. Kết quả kiểm tra nhanh sai số chỉ khoảng 20% so với kết quả chính thức. Vì vậy, có thể xây dựng phòng kiểm tra nhanh tại các chợ đầu mối, tiến tới các chợ truyền thống. “Nếu kết quả dương tính, lô hàng sẽ bị giữ lại để gửi đi kiểm tra định lượng và chủ hàng phải chấp nhận. Tất nhiên còn cần cơ chế tài chính, DN chịu chi phí phần nào, nhà nước trả phần nào để bảo đảm thực phẩm an toàn. Dù xét nghiệm là tốn kém nhưng vẫn rẻ hơn chi phí chữa bệnh khi người dân tiêu thụ thực phẩm độc hại” - bà Lan nêu quan điểm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, từng là phó chủ tịch HĐQT một công ty thử nghiệm - cho biết trong ngành râm ran chuyện mua kết quả xét nghiệm. Do đó, bà Minh đề nghị cần phải có biện pháp chế tài để các phòng xét nghiệm minh bạch hóa quá trình tiếp nhận mẫu, xét nghiệm, trả kết quả; tránh việc sửa kết quả hoặc không xét nghiệm vẫn có kết quả.
Bình luận (0)