Ngày 21-10, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang, Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận), Hội Nước mắm Phú Quốc, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an về việc xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
Cần cảnh cáo để răn đe
Theo văn bản nêu trên, ngày 20-10, dưới sự chủ trì của VASEP, các hiệp hội cùng một số doanh nghiệp nước mắm đại diện cho miền Bắc đã họp và thống nhất những giải pháp để bảo vệ và phát triển nước mắm truyền thống, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 4 điểm.
Trong đó, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, đánh giá mức độ gây thiệt hại do “Thông cáo báo chí” của VINASTAS đối với ngành sản xuất nước mắm truyền thống và cảnh cáo để không tiếp tục xảy ra trường hợp tương tự; đồng thời, chỉ đạo các bộ liên quan kiểm tra và xử phạt nghiêm hành vi phát tán trái phép danh sách các nhãn hàng nước mắm có hàm lượng asen, gây hoang mang cho người tiêu dùng, xâm hại nghiêm trọng uy tín của nước mắm truyền thống và xử lý nghiêm những hành vi quảng cáo không đúng. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan công bố công khai trên thông tin đại chúng việc asen hữu cơ có trong nước mắm không gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng, làm rõ mức giới hạn ô nhiễm asen trong nước mắm tại Quy chuẩn kỹ thuật về kim loại nặng QCVN 8-2:2011 là asen vô cơ.
Theo các hiệp hội, quy chuẩn kỹ thuật về nước mắm đang được Bộ Y tế soạn thảo từ năm 2012, đưa nhiều quy định về hóa chất phụ gia không phù hợp với nước mắm truyền thống, đến nay chưa được ban hành. Do đó, đề nghị thúc đẩy việc sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật này.
Có thể giết chết một ngành truyền thống
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội chiều 21-10, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng như dược liệu, các nhà thùng nước mắm trên cả nước cũng có những quy định và chuẩn hóa riêng, rõ ràng từ nhãn hiệu, nguồn gốc và thành phần. “Không nên vì một lý do nào đó mà kết luận quá vội vàng, có thể giết chết cả một ngành công nghiệp truyền thống” - bà Lan bất bình.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị xác nhận đã chỉ đạo UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành về vấn đề nước mắm có asen. “Cơ quan chức năng cùng Hội Nước mắm Phú Quốc sẽ có phản hồi chính thức về vấn đề này, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc. Sắp tới đây, tỉnh sẽ chủ động mời nhà khoa học vào cuộc chứng minh sản phẩm truyền thống của địa phương không có những chất độc hại như thông tin vừa được công bố” - ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết dự kiến, đầu tuần tới sẽ có kết quả về chất lượng nước mắm của cơ quan chức năng. “Khi chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan quản lý, người tiêu dùng không nên hoang mang về chất lượng nước mắm. Các sản phẩm được cơ quan quản lý cấp phép lưu hành đúng như hồ sơ công bố là sản phẩm an toàn” - ông Phong khẳng định.
VINASTAS phân bua
Ngày 21-10, VINASTAS tiếp tục lên tiếng về việc công bố kết quả khảo sát nước mắm nhiễm asen của tổ chức này. Theo VINASTAS, chương trình khảo sát nước mắm đã được đơn vị đưa vào kế hoạch của năm 2015 và 2016 với các bước cụ thể. Tổ chức này tái khẳng định các kết quả công bố trước đó song thừa nhận chưa phát hiện asen vô cơ trong nước mắm. “Nếu bình tĩnh đọc kỹ thông tin do VINASTAS đưa ra thì chưa có vấn đề gì phải lo lắng như các thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua” - VINASTAS phân bua.
Trước sự khẳng định không sai của VINASTAS, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết cục đã có văn bản đề nghị VINASTAS gửi báo cáo kết quả khảo sát nước mắm, trong đó có các nội dung về quy trình lấy mẫu, phương pháp thử… “Các tổ chức, cá nhân có quyền tham gia kiểm soát về an toàn thực phẩm nhưng phải đúng quy định. Việc lấy mẫu giám sát trên thị trường do các cơ quan được giao nhiệm vụ lấy mẫu kiểm nghiệm. Trong trường hợp nghi ngờ chất lượng có vấn đề, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thanh - kiểm tra dựa trên kết quả giám sát” - ông Phong nói.
Luật An toàn thực phẩm cũng quy định với việc công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất - kinh doanh, đơn vị công bố thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.
Bình luận (0)