Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, khu vực kết nối cung - cầu giữa các siêu thị, cửa hàng tại TP HCM và các doanh nghiệp (DN) diễn ra rất sôi nổi. Ông Phạm Văn Công, Giám đốc Công ty CP Dori (Quảng Ngãi) - chuyên các mặt hàng hành, tỏi Lý Sơn và các sản phẩm chế biến từ hành tỏi, cho biết lần đầu tham gia hội nghị với mong muốn được đưa đặc sản địa phương gần hơn với người tiêu dùng TP HCM.
Doanh nghiệp tham dự đạt kỷ lục
"Tôi đã mang sản phẩm mẫu, hồ sơ pháp lý chào hết các nhà bán lẻ tại TP HCM. Nhìn chung họ đều lo ngại sản phẩm ở xa, khó trong khâu vận chuyển cũng như giá thành cao. Riêng WinMart có vẻ quan tâm và có thể xúc tiến đàm phán tiếp theo trong tương lai.
Phát biểu tại sự kiện chính của hội nghị kết nối cung cầu diễn ra chiều 17-11, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, thông tin hội nghị năm nay có sự góp mặt của hơn 1.000 DN đến từ 42 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, nhiều địa phương đã tổ chức không gian sinh động, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, văn hóa đặc sắc của địa phương. "Tôi tin rằng hội nghị năm nay sẽ tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, đẩy mạnh tiêu dùng, đưa sản vật vùng miền cả nước đến gần hơn với người tiêu dùng TP HCM; đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm 2022 - Tết Quý Mão 2023" - bà Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Thắng, chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa do Sở Công Thương TP HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị bạn thuộc các tỉnh, thành triển khai thực hiện từ năm 2012, đến nay bước sang năm thứ 11 với quy mô ngày càng lớn, hàng hóa dồi dào, phong phú, số lượng địa phương, DN tham gia và hợp đồng, mặt hàng cung ứng được các bên ký kết ngày càng nhiều, ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả tích cực. Điểm mới của hội nghị năm nay là ngoài các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối trực tiếp thì chương trình còn tập trung kết nối cung cầu trực tuyến, thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) thông qua thảo luận về các giải pháp kết hợp giữa phương thức phân phối trực tiếp và trực tuyến, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối; thúc đẩy ứng dụng TMĐT trong cộng đồng DN sản xuất, cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Doanh nghiệp các tỉnh, thành gặp gỡ các nhà bán lẻ tại TP HCM. Ảnh: NGỌC ÁNH
Sáng cùng ngày, tại Đối thoại DN TMĐT TP HCM diễn ra trong khuôn khổ hội nghị kết nối, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hội nghị kết nối cung - cầu năm ngoái dự kiến có 500 DN tham gia nhưng cuối cùng chỉ có 300 DN đăng ký, năm nay dự kiến 500 DN nhưng có đến 1.000 DN tham gia, với hơn 700 gian hàng, nhiều địa phương lần đầu tham gia cho thấy sức hút của sự kiện. "Hiện nay, các hệ thống bán lẻ tại TP HCM muốn mở rộng rất khó, từ việc tìm kiếm mặt bằng mở siêu thị, còn mở trung tâm thương mại gần như không thể. Các siêu thị hiện nay số lượng quầy kệ có giới hạn, họ cũng phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh nên ưu tiên các sản phẩm bán chạy, tạo ra lợi nhuận. Để có 1 sản phẩm mới lên kệ siêu thị nghĩa là có 1 sản phẩm khác phải rời kệ, điều này rất khó khăn cho các sản phẩm mới, sản phẩm chưa có thương hiệu. Việc kết nối thành công để đưa hàng lên kệ siêu thị chỉ mới là bước đầu, sau một thời gian nếu không đạt doanh số sẽ phải rời kệ. Do đó, việc tận dụng kênh TMĐT là cách tốt để tiếp cận người tiêu dùng" - ông Phương nêu vấn đề.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), hoạt động TMĐT tại Việt Nam vẫn đang tăng trưởng cao sau dịch COVID-19. Các bà nội trợ đi chợ online ngày càng nhiều nhưng họ cần giao hàng nhanh, giao hàng trong ngày. Đây là bài toán đặt ra mà ngành logistics phải giải quyết để gia tăng sự hài lòng cho khách hàng.
Hàng Việt Nam sang Thái Lan ngày càng nhiều
Cùng ngày tại Bangkok - Thái Lan, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 với chủ đề "Taste of Vietnam" do Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đồng tổ chức kéo dài từ ngày 16 đến 20-11 tại Central World - một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, đã được khai mạc. Sự kiện năm nay được tổ chức đúng vào thời điểm diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC 2022 (tại thủ đô Bangkok) và đã vinh dự đón tiếp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự, cắt băng khai mạc.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2022 là sự kiện thường niên quan trọng trong khuôn hoạt động này, được tổ chức từ năm 2016 đến nay. Để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận và xuất khẩu vào hệ thống phân phối của Central Group, thời gian qua Central Retail Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương triển khai nghiên cứu thị trường, lựa chọn những DN có mặt hàng phù hợp với thị trường Thái Lan; tổ chức các khóa tập huấn thiết thực nhằm nâng cao năng lực, chất lượng hàng hóa của DN và hỗ trợ phát triển sản phẩm riêng cho thị trường Thái Lan.
Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Bộ Công Thương phối hợp với Central Retail Việt Nam tổ chức hoạt động kết nối kinh doanh cho hơn 45 nhà cung cấp Việt Nam với 26 đại diện mua hàng (gồm bộ phận thu mua của GO!, Tops Market tại Thái Lan và các nhà cung cấp của Central Group tại Thái Lan) trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với nhau. Sau các cuộc tiếp xúc, nhiều nhà cung cấp Việt Nam đã nhận được đề nghị tiếp tục có những cuộc làm việc sâu hơn để đi đến hợp tác xuất khẩu sản phẩm sang Thái Lan lẫn một số thị trường mà DN Thái Lan đang hiện diện.
Ông Paul Le, Phó Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam, cho hay sự kiện năm nay thu hút hơn 70 DN tham gia trưng bày và kết nối giao thương những sản phẩm tinh túy của Việt Nam. "Sau 4 lần tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, Central Retail Việt Nam đã đưa thành công 500 sản phẩm Việt Nam sang thị trường Thái Lan. So với 5 năm trước, sản phẩm của Việt Nam hiện đã có bước tiến đáng kể cả về chất lượng, bao bì, mẫu mã và gắn với những câu chuyện của sản phẩm để kể cho khách hàng quốc tế. Central Retail Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ hàng Việt tiếp cận thị trường Thái Lan và thế giới" - ông Paul chia sẻ bên lề hoạt động kết nối kinh doanh.
Bình luận (0)