Lần đầu tiên sự kiện lớn thu hút nhiều doanh nghiệp (DN), thương nhân, người tiêu dùng… do TP HCM chủ trì tổ chức lại diễn ra ở địa phương khác. Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, xung quanh Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM với các tỉnh, thành năm 2018.
Phóng viên: Vì sao năm nay Hội nghị Kết nối cung cầu diễn ra tại Bến Tre chứ không phải là TP HCM như trước đây?
- Bà Nguyễn Huỳnh Trang: Cũng như mọi năm, hội nghị nhằm thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá cả hợp lý, có tiềm năng phát triển thương hiệu và thị phần. Song song đó, đẩy mạnh kết nối 2 chiều, nâng cao hiệu quả lưu thông hàng hóa, hỗ trợ đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối của TP HCM và ngược lại, nhằm bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, góp phần xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối đưa hàng hóa bình ổn thị trường phục vụ công nhân, người lao động, bếp ăn tập thể bệnh viện, trường học.
Năm nay, Sở Công Thương TP HCM phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Bến Tre tổ chức hội nghị tại Bến Tre. Thông qua hội nghị lần này, ban tổ chức mong muốn hỗ trợ Bến Tre giới thiệu hình ảnh, thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại địa phương. Chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá sau chương trình, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng tổ chức tại các tỉnh, thành khác trong những năm tới.
Thông qua hội nghị kết nối cung cầu, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm Ảnh: THANH NHÂN
Ngoài địa điểm mới, chương trình năm nay có điểm nhấn nào đặc biệt so với năm 2017?
- Về cơ bản, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực Đông - Tây Nam Bộ đã được triển khai nhiều năm qua và mang lại kết quả tích cực. Năm nay, hội nghị tập trung hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng của các DN, HTX, hộ cá thể nhỏ... ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Tây Bắc... và các sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm, nuôi trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACPP…
Hội nghị năm nay tập trung kết nối hàng hóa vào kênh tiêu thụ truyền thống. Sở Công Thương TP HCM đã vận động hơn 550 thương nhân các chợ đầu mối, chợ loại 1, loại 2 ở TP tham gia kết nối. Trước nay, các tỉnh chủ yếu nhắm đến hệ thống phân phối hiện đại mà chưa chú trọng hệ thống phân phối truyền thống dù kênh mua sắm ở chợ, cửa hàng tạp hóa… đang chiếm đến 76% thị phần.
Những năm trước, DN các tỉnh, thành chủ yếu đưa hàng hóa về TP HCM triển lãm, giới thiệu. Năm nay, hội nghị ở Bến Tre là dịp để các DN TP HCM đem sản phẩm đi chào hàng cho các địa phương. Đến thời điểm này, đã có 46 DN TP HCM đăng ký tham gia với 125 gian hàng tại hội nghị. Ngoài lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, DN bình ổn thị trường, năm nay có đến 25-43 gian hàng của DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ. Lần đầu tiên Công ty Samco, Công ty Bùi Văn Ngọ… tham gia chương trình, đem xe tải, xe bán tải, máy móc, thiết bị và phụ tùng cho máy móc nông nghiệp giới thiệu đến DN, HTX nông nghiệp các tỉnh, thành. Một số DN nhựa uy tín như Tân Hiệp Thành, Duy Tân… cũng đưa sản phẩm chất lượng cao về bán cho người tiêu dùng các địa phương.
Tại hội nghị năm 2017, Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh đã bàn về việc tổ chức sơ chế nông sản tại nguồn để giảm lượng rác thải nông sản cũng như nâng chất lượng nông sản đưa về TP HCM. Công tác này đã triển khai đến đâu, thưa bà?
- Trong năm qua, TP HCM đã làm việc với các tỉnh Lâm Đồng, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Đồng Nai… về vấn đề này, bước đầu đã áp dụng sơ chế tại nguồn đối với một số mặt hàng nông sản như củ cải trắng, củ cải đỏ, bắp sú, cải thảo… Tại hội nghị lần này, Sở Công Thương TP HCM và các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục tìm giải pháp, cố gắng đến ngày 31-12, tất cả hàng hóa đưa vào chợ đầu mối ở TP HCM đã được sơ chế tại nguồn.
Sơ chế nông sản tại nguồn hiệu quả không chỉ tiết kiệm được chi phí xử lý rác, giảm thiểu tác động môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích do tận dụng lượng rác thải từ hoạt động sơ chế làm phân xanh, tiết kiệm chi phí vận chuyển, giảm tỉ lệ hao hụt, cải thiện giá trị nông sản... Theo tính toán, mỗi ngày, 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn tiếp nhận khoảng 9.205 tấn hàng hóa và thải ra môi trường 240 tấn rác, trong đó rác từ các hoạt động sơ chế nông sản chiếm gần 90%. Chi phí xử lý lượng rác thải này lên đến gần 70 triệu đồng/ngày, tương đương hơn 2 tỉ đồng/tháng. Làm tốt việc sơ chế nông sản tại nguồn sẽ giúp tối đa hóa lợi nhuận cho các bên và bảo vệ môi trường; TP HCM giải quyết được bài toán rác thải và cải thiện môi trường hoạt động ở các chợ đầu mối, từng bước tiến tới quản lý, truy xuất nguồn gốc rau củ quả.
Chủ động kết nối song phương
Tính đến thời điểm này, đã có 1.200 DN, thương nhân thuộc 35 tỉnh, thành đăng ký tham dự hội nghị. Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Hội nghị Kết nối cung cầu diễn ra vào cuối năm ngoài mục đích gắn kết sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, còn tạo điều kiện cho DN tìm kiếm, bổ sung nguồn hàng mới lạ, đặc sản cho thị trường Tết.
Ngoài hoạt động kết nối định kỳ quy mô lớn này, Sở Công Thương TP HCM còn chủ động hợp tác với các địa phương thực hiện kết nối song phương. "Nếu các tỉnh, thành có sản phẩm tiềm năng với sản lượng ổn định, chất lượng bảo đảm muốn thâm nhập thị trường TP HCM, Sở Công Thương TP HCM sẵn sàng phối hợp để hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường chứ không cần đợi đến hội nghị kết nối chung" - bà Trang nói.
Bình luận (0)