Sau khi tỉ giá trung tâm tăng, tỉ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) gần như không biến động. NH TMCP Xuất nhập khẩu, NH TMCP Ngoại thương, NH TMCP Đầu tư và Phát triển, NH Sài Gòn Thương Tín… đồng loạt mua vào 22.470 đồng/USD, bán ra 22.540 đồng/USD, thấp hơn giá trần 24 đồng/USD (± 3%).
NHTM mạnh dạn bán trước USD
Lãnh đạo một số NHTM cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán cho một số NHTM khoảng 700 triệu USD và 3 tháng tới mới giao hàng. Do đó, các NHTM đã mạnh dạn bán trước USD cho khách hàng. Điều này lý giải vì sao trong 2 ngày gần đây, giá mua - bán USD tại các NHTM giậm chân tại chỗ và đến 11 giờ ngày 5-1 giảm nhẹ 10 đồng/USD.
Tổng giám đốc một NH TMCP tại TP HCM nhận định tuy biến động hằng ngày nhưng điểm mới của tỉ giá trung tâm là NHNN bán USD có kỳ hạn cho các NHTM có trạng thái ngoại tệ âm từ 5%-0%. Như thế, cơ chế tỉ giá này sẽ giúp NHNN không phải bán ra cùng lúc số ngoại tệ quá lớn, đồng thời sẵn sàng cung cấp ngoại tệ trong tương lai.
Có thể đến thời hạn giao dịch, các NH đã có nguồn cung USD từ doanh nghiệp (DN), từ chối mua USD của NHNN làm cho dự trữ ngoại hối không bị hao hụt. Điển hình là ngày 31-12-2015, NHNN đã bán cho một số NHTM hàng trăm triệu USD, kỳ hạn 3 tháng với giá 22.700 đồng/USD.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, tại thời điểm này, thị trường đã thấy tỉ giá hình thành tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Đến cuối tháng 3-2016, nếu các NHTM thực hiện hợp đồng mua USD từ NHNN thì tỉ giá tương lai mới chính thức xác lập tại mức 22.700 đồng/USD.
Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tỉ giá này vẫn chưa ổn bởi các NHTM có thể hủy hợp đồng mua USD kỳ hạn với NHNN nếu lúc đó họ mua được USD từ các DN xuất khẩu với giá thấp hơn. Nếu tình huống này xảy ra thì tỉ giá tại thời điểm đó sẽ dưới mức 22.700 đồng/USD” - ông Nghĩa phân tích.
Nên đa dạng hóa sản phẩm
Trong khi đó, DN mua USD của NHTM theo kỳ hạn 3 đến 365 ngày không được hủy hợp đồng giao dịch, khiến bên mua không thể tránh khỏi tâm lý lo ngại về tỉ giá. Ví dụ, DN mua USD kỳ hạn, tức là NHTM đã chi VNĐ để mua trước ngoại tệ cho DN. Do đó, các NHTM thường tính tỉ giá tương lai trên cơ sở giá bán USD tại thời điểm ký hợp đồng, cộng với lãi suất VNĐ là 4,5%/năm (tương đương 0,375%/tháng).
Cụ thể, ngày 5-1, DN ký hợp đồng mua 1 USD kỳ hạn 3 tháng thì NHTM sẽ lấy giá bán ra của hôm đó là 22.540 đồng/USD, cộng với lãi suất VNĐ trong 3 tháng là 1,125%, tính ra tỉ giá chốt tại ngày thực hiện giao dịch (ngày 5- 4-2016) là 22.793 đồng/USD.
Như vậy, nếu 3 tháng tới, giá bán USD của NHTM thấp hơn mức giá kỳ hạn 3 tháng thì DN chịu thiệt. Do vậy, cộng với chi phí quá cao nên lâu nay nhiều DN không mặn mà mua USD theo kỳ hạn. Do đó, khi tỉ giá tăng đột biến, nhiều DN đối mặt với rủi ro.
“Để DN yên tâm, NHNN cần tính toán đưa ra giá bán USD kỳ hạn cho các NHTM ở mức hợp lý, thể hiện vai trò người mua bán USD kỳ hạn cuối cùng trên thị trường. Từ đó, các NHTM sẽ giảm giá bán USD kỳ hạn, giúp DN giảm chi phí liên quan đến giao dịch USD” - ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, đề xuất.
TS Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị các NHTM nên đa dạng hóa sản phẩm giao dịch USD kỳ hạn để khách hàng có nhiều chọn lựa, như DN được quyền hủy ngang hợp đồng thì phải mua với giá cao, hợp đồng bắt buộc phải mua USD bằng mọi giá thì chi phí thấp và hợp đồng mang tính rủi ro thì chia đôi rủi ro cho bên bán và bên mua.
Tỉ giá sẽ xác thực hơn
Theo các NHTM, cơ chế tỉ giá trung tâm sẽ tác động tích cực đến các DN, NHTM; giúp DN và các NHTM chủ động hơn trong việc kinh doanh liên quan đến USD so với cơ chế điều hành tỉ giá trước đây. Cơ chế mới khuyến khích các NHTM áp dụng rộng rãi hơn các sản phẩm phái sinh, trong đó có mua - bán kỳ hạn ngoại tệ. Đây cũng là thông lệ tốt của thị trường quốc tế, đặc biệt trên thị trường tài chính và hàng hóa. Khi đó, nhu cầu mua bán ngoại tệ không chỉ giao ngay mà còn được thực hiện qua phương thức giao dịch có kỳ hạn, giúp giảm áp lực mua bán ngoại tệ tại một số thời điểm, làm cho tỉ giá được phản ánh xác thực hơn.
Bình luận (0)