Tuy nhiên, một “nút thắt” vẫn chưa được tháo gỡ triệt để chính là sự thiếu đồng nhất giữa doanh nghiệp (DN) và các cơ quan quản lý. Trong khi ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, yêu cầu DN có thương hiệu phải quan tâm, phản ánh kịp thời những thông tin liên quan đến hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ cho các lực lượng thực thi thì về phía DN, ông Lê Quang Dũng, đại diện Hội Mỹ phẩm TP HCM, lại cho biết các DN phải lúng túng đối phó, không biết báo với ai khi có hàng giả xuất hiện.
Thực tế, không phải DN nào cũng thờ ơ với thương hiệu mà mình phải chật vật mới gầy dựng được. Đơn cử như lãnh đạo một DN sản xuất tôn, tại các hội thảo, hội nghị đã nhiều lần lên tiếng phản ánh tình trạng hàng giả, hàng nhái và cảnh báo cho người tiêu dùng về vấn nạn trên nhưng nhiều năm qua, tình hình vẫn không được cải thiện.
Vậy, nguyên nhân không chỉ nằm ở phía DN mà còn ở cơ chế, chính sách cũng như các quy định pháp luật còn nhiều lỗ hổng và thói quen tiêu dùng dễ dãi đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái có đất sống. Chưa kể hiện tượng cán bộ thi hành nhiệm vụ bao che, dung túng cho các hành vi gian dối được nhận diện từ rất lâu nhưng nay tiếp tục phải nhắc lại.
Để khắc phục, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhấn mạnh lại hàng loạt yêu cầu đã “cũ” mà đến nay chưa thực hiện được: cơ quan chức năng phải thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng của DN; các DN phải thực hiện đầy đủ quy định ghi nhãn hàng hóa, ghi mã số, mã vạch và các quy định về đo lường chất lượng…
Giải pháp không mới, nếu không muốn nói là chung chung. Tuy nhiên, đây lại là lời nhắc nhở các DN phải tự thân vận động để ứng phó với vấn nạn hàng giả, hàng nhái chứ không nên trông chờ toàn bộ vào cơ quan nhà nước. Ví dụ như DN nên bắt đầu từ một hoạt động trước nay hay bị bỏ qua là hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt sản phẩm thật - giả để mua đúng hay tuyên truyền tạo thói quen tiêu dùng văn minh cho “thượng đế”…
Bình luận (0)