Phần lớn các thương hiệu Việt nhượng quyền ra quốc tế thời gian qua là các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B), dịch vụ… đã được chuẩn hóa mô hình, phát triển ổn định ở thị trường trong nước.
Hình thức xuất khẩu mới
Cuối tháng 10-2023, vợ chồng anh Trần Hữu Tài - chị Trần Thảo Vi, đồng sáng lập Dịch vụ chăm sóc mẹ và bé Care With Love, đã ký được hợp đồng nhượng quyền đại lý độc quyền (master) cụm 3 cửa hàng sang Philippines. Care With Love trở thành doanh nghiệp (DN) đầu tiên trong mảng dịch vụ của Việt Nam nhượng quyền ra quốc tế.
Tại Việt Nam, Care With Love có 13 cửa hàng (bao gồm 12 cửa hàng nhượng quyền). Với quyết tâm phát triển ra thị trường thế giới, Care With Love đã chuẩn hóa mô hình lẫn nguyên vật liệu, chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng đón nhận sự hợp tác của các nhà đầu tư bên ngoài.
"Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ về đất nước, con người, tỉ lệ dân số, tỉ lệ sinh nở... của Philippines và nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Người dân Philippines đã quen với mô hình nhượng quyền thương mại và rất cởi mở với DN đến từ Việt Nam" - chị Vi cho biết.
Vợ chồng anh Trần Hữu Tài và chị Trần Thảo Vi tìm kiếm đối tác trong một sự kiện về nhượng quyền tại Philippines năm 2023
Theo chị Vi, Philippines chưa có mô hình chăm sóc mẹ và bé như Care With Love đang làm. Đối tác nhận nhượng quyền đang sở hữu 1 chuỗi phòng khám ở thủ đô Manila nên có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình này, mang lại tiện ích và gia tăng giá trị cho khách hàng của họ.
Chuỗi trà sữa Phúc Tea đang sở hữu hơn 140 cửa hàng trên toàn quốc (80% là nhượng quyền) cũng đã thành công nhượng quyền master vào thị trường Indonesia, Philippines và đang trong quá trình đàm phán để nhượng quyền sang Malaysia.
"Với Philippines, chúng tôi có 3 tháng chuẩn bị để tiếp cận thị trường ở phân khúc trung bình. Còn ở Malaysia, chính phủ rất khuyến khích DN làm nhượng quyền. Người Malaysia rất thích cà phê, phở, bánh mì... Việt Nam" - anh Trần Nhật Vũ, đồng sáng lập Phúc Tea, kể.
Từ kết quả khảo sát thị trường, Phúc Tea quyết định xuất khẩu mô hình kinh doanh trà sữa thuần Việt, lồng ghép trong đó những nông sản Việt Nam như nước mía, trà thảo mộc... để truyền tải câu chuyện văn hóa của vùng Tây Nam Bộ.
Thương hiệu Phở’S cũng đang chuẩn bị để đưa vào hoạt động 3 điểm bán đầu tiên trong hợp đồng nhượng quyền với đối tác tại Philippines. Theo kế hoạch, sau khi vận hành thành công 3 cửa hàng này, 2 bên sẽ nâng cấp thành hợp đồng nhượng quyền 50 cửa hàng cho toàn thị trường Philippines.
"Chúng tôi đang triển khai các thông tin cho đối tác về các dụng cụ, hàng hóa nguyên liệu cần gửi từ Việt Nam qua, các vấn đề liên quan đến thuế, thủ tục hải quan... Phở’S sẽ mang sang Philippines toàn bộ mô hình từ thiết kế, cách vận hành, thực đơn... Hai nguyên liệu chính là nước phở sấy khô và bánh phở cũng từ Việt Nam" - anh Nguyễn Tiến Hải, đồng sáng lập kiêm Giám đốc vận hành Phở’S, cho hay.
Với lợi thế có chứng chỉ Halal cho sản phẩm nước phở, Phở’S còn có kế hoạch nhượng quyền vào một số nước Hồi giáo ở ASEAN và Bahrain (Trung Đông). "Tiềm năng thị trường rất lớn vì dân số các nước hầu như lớn hơn mình, Phở’S tại nước ngoài có giá gấp đôi tại Việt Nam nhưng vẫn rẻ hơn 20%-30% so với các đối thủ nên sẽ rất có lợi thế cạnh tranh" - anh Tiến tự tin.
Vượt qua rào cản bước đầu
Theo các DN, nhượng quyền là con đường ngắn nhất để xuất khẩu thương hiệu, sản phẩm Việt ra nước ngoài, mang tiền về cho DN. Tuy nhiên, do tâm thế, thực lực của nhiều DN Việt còn hạn chế, thiếu tự tin nên chưa có nhiều DN sử dụng công cụ này để phát triển thị trường.
Khi nhượng quyền vào 1 thị trường xa Việt Nam, DN phải đối mặt với những thách thức về khoảng cách địa lý, rào cản ngôn ngữ, sự chuyên nghiệp trong dịch vụ, các vấn đề liên quan đến xuất khẩu, sử dụng nguyên vật liệu và việc kiểm soát vận hành chuỗi...
"Ngay như các nước ASEAN, ngành nhượng quyền của họ đã phát triển rất mạnh trong khi Việt Nam chỉ mới manh nha. Vì vậy, để nhượng quyền thành công, DN phải chuyên nghiệp để hỗ trợ đối tác về mọi mặt" - nhà sáng lập Phở’S bộc bạch.
Bà Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Go Global Hoildings - đánh giá những hợp đồng nhượng quyền ra nước ngoài DN Việt ký kết được trong thời gian qua là tín hiệu tích cực. Việc này cho thấy các DN đã đóng gói được mô hình hoạt động hiệu quả về mặt kinh tế, có sự khác biệt để xuất khẩu và được đối tác nước ngoài đón nhận.
"Trong con mắt của DN và người tiêu dùng các nước, thương hiệu lẫn sản phẩm Việt Nam vẫn còn ở mức thấp. Nhượng quyền ra nước ngoài rất khó nhưng DN Việt không được phép bỏ cuộc mà phải thuyết phục họ bằng sự khác biệt trong mô hình của mình.
Trước đây, khi đại diện cho những thương hiệu lớn của quốc tế đàm phán nhượng quyền, tôi có thể yêu cầu đối tác trả hàng trăm ngàn USD phí nhượng quyền cho hợp đồng 10 năm. Nhưng nay, khi đại diện thương hiệu Việt Nam đàm phán nhượng quyền ra nước ngoài, tôi phải rất cẩn trọng, tìm nhiều cách linh hoạt, tạo điều kiện cho đối tác" - bà Phi Vân nêu kinh nghiệm.
Chưa biết cách làm
Theo bà Nguyễn Phi Vân, nhượng quyền có thể áp dụng cho bất kỳ ngành nghề nào, với điều kiện DN có tài sản sở hữu trí tuệ, thiết lập hệ thống kinh doanh hiệu quả. DN Việt Nam, nhất là DN khởi nghiệp mảng công nghệ, có rất nhiều tiềm năng nhượng quyền ra nước ngoài nhưng chưa biết cách làm.
"Một startup ở Ả Rập Saudi sản xuất thiết bị bay không người lái (drone), phát triển 1 gói dịch vụ drone dùng trong sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, thu thập dữ liệu... và nhượng quyền ra khắp nơi trên thế giới. Nhờ vậy, startup này xuất khẩu được cả drone và dịch vụ" - bà Phi Vân dẫn chứng.
Bình luận (0)