Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều hơn nữa cơ hội giao thương, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Triều Tiên.
Dù kim ngạch thương mại giữa 2 nước hiện chưa như kỳ vọng nhưng đã có không ít doanh nghiệp (DN) Việt đưa hàng qua Triều Tiên từ nhiều năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho biết từ 6-7 năm trước, những sản phẩm đầu tiên của công ty đã đến tay người tiêu dùng Triều Tiên. Từ chặng đường khó khăn ban đầu, đến giờ, các sản phẩm nước rửa chén, xà bông cục, nước giặt, dầu gội đầu… của Mỹ Hảo đã được nhiều người Triều Tiên sử dụng, ưa thích. Trung bình mỗi tháng, công ty ông xuất vài container hàng qua thị trường này.
Đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên thăm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco thuộc Tập đoàn Vingroup tại TP Hải Phòng. Ảnh: Trọng Đức
"Trước đó, hàng Việt phải cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường Triều Tiên nhưng giờ chúng tôi cũng có chỗ đứng nhất định. Người tiêu dùng nước này chuộng sản phẩm chất lượng với giá cạnh tranh, nên hàng Việt được chọn. Ban đầu là một số công ty trung gian đặt vài chục thùng để bán thử, đến giờ sản phẩm của Mỹ Hảo ngày càng phổ biến hơn" – ông Vinh nói.
Thị trường Triều Tiên được đánh giá rất tiềm năng khi nhu cầu sử dụng hàng chất lượng, giá mềm. Các DN kỳ vọng sau hội nghị thượng đỉnh và chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên sẽ mở thêm cơ hội hợp tác, làm ăn cho DN 2 nước. Hiện một số DN Việt tiếp tục khảo sát để mở rộng thị trường, đưa hàng hóa vào nước này nhiều hơn.
Nước cam của Bidrico trong một cửa hàng ở Triều Tiên. Ảnh: Zing
Từ khoảng năm 2012, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và dịch vụ Tân Quang Minh (Bidrico) đã bắt đầu bán sản phẩm nước giải khát đầu tiên cho người tiêu dùng Triều Tiên. Ban đầu là vài thùng nhỏ, dần dần, thị trường nước này ưa chuộng và tin tưởng sản phẩm Việt nên tần suất các lô hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang nhiều hơn.
Đến giờ, các loại nước giải khát, nước ngọt có gaz, nước ép trái cây có gaz của Bidrico xuất hiện ngày càng nhiều ở Triều Tiên. Trung bình mỗi tháng công ty xuất từ 2-4 container sản phẩm nước giải khát các loại sang thị trường này.
Đại diện Bidrico cho biết Triều Tiên là thị trường dễ tính, người tiêu dùng chuộng sản phẩm có chất lượng với giá rẻ nên những sản phẩm hàng Việt chất lượng cao cạnh tranh được với hàng ngoại, hàng nội địa nước này. Sau những năm đầu khó khăn, hiện công ty đã bán hàng khá ổn định ở đây và đang có kế hoạch mở rộng, gia tăng thị phần ở thị trường này.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Triều Tiên luôn được 2 nước thúc đẩy mặc dù còn khá khiêm tốn. Trong đó, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 8 triệu USD; năm 2015 đạt 11,6 triệu USD. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Triều Tiên 2,99 triệu USD; năm 2017 xuất khẩu sang Triều Tiên 7,322 triệu USD (chủ yếu là thực phẩm, bánh kẹo); 9 tháng đầu năm 2018 xuất sang Triều Tiên trị giá 497.000 USD.
Theo những công ty đã đưa hàng Việt qua Triều Tiên, một vấn đề cần lưu ý nếu DN muốn xuất khẩu qua thị trường này là khâu thanh toán. Nếu DN nào có ý định kinh doanh, buôn bán tại Triều Tiên thì cần lưu ý vấn đề thanh toán, nên chọn yêu cầu trả trước để phòng tránh rủi ro.
Bình luận (0)