Nếu tìm được “chân” trong các chuỗi cung ứng thức ăn nhanh, doanh nghiệp (DN) sẽ sống khỏe. Tuy nhiên, nhiều nhà cung cấp tại Việt Nam chỉ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà chưa quyết liệt đầu tư vào lợi ích dài hạn, bền lâu.
Khó tìm nhà cung ứng nội địa
Chính thức có mặt tại Việt Nam từ đầu tháng 8, đã mở 3 cửa hàng, thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s dự kiến mở thêm 6 cửa hàng trong năm 2015 và sẽ mở 100 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ. Ngay khi đặt chân vào Việt Nam, chuỗi thức ăn nhanh đến từ Mỹ đã tìm nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa nhưng đến nay chỉ mới sử dụng bánh mì, xà lách, cà chua sản xuất trong nước. Ngay cả nguyên liệu chính là bánh, trước đây cũng phải nhập từ Malaysia.
Lotteria, KFC sau thời gian có mặt tại Việt Nam, vài năm gần đây cũng đã tìm được vài nhà cung ứng trong nước (DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài) cho một số nguyên phụ liệu như thịt gà, nước xốt…
Kể từ lúc bắt đầu làm ăn với nhãn hàng Jollibee năm 2002, đến nay DNTN bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) đã cung ứng bánh mì tròn và bánh kem cao cấp cho hầu hết các thương hiệu nổi tiếng như Lotteria, KFC, Burger King, Starbuck, McDonald’s… và nhiều hệ thống khác; doanh thu lĩnh vực này chỉ từ 0,5%/tổng doanh thu năm 2002 đã nhảy lên hơn 30% trong hiện tại và dự báo còn tăng trưởng tốt theo đà phát triển của các chuỗi thức ăn nhanh. Hiện nay, ABC Bakery đã bán hàng cho hơn 90% thương hiệu thức ăn nhanh ngoại nhập tại Việt Nam.
Hiện chưa có nhiều DN làm được như ABC Bakery, DN Việt dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa vào được chuỗi thức ăn nhanh. Bà Lê Hà Mỹ Trâm, phụ trách truyền thông McDonald’s Việt Nam, cho biết McDonald’s Việt Nam vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và nội địa hóa tất cả nguồn nguyên vật liệu. Các chuỗi thức ăn nhanh toàn cầu luôn đặt ra tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình.
Theo đó, dù ở bất cứ thị trường nào, bên cạnh tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm phải có sự đồng bộ về chất lượng, khẩu vị. Những nhà cung ứng nội địa hiện có thể đã đạt một số chuẩn mực tuy nhiên về khẩu vị và một số yếu tố khác có thể chưa đồng bộ với hệ thống McDonald’s toàn cầu.
Theo bà Mỹ Trâm, khi đến Việt Nam, một trong những tiêu chí mà McDonald’s đặt ra là phát triển cùng các nhà cung ứng nội địa để có lợi cho cả 2 phía. Tuy nhiên hiện nay, McDonald’s vẫn sử dụng một số nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu vì chưa tìm được đối tác thích hợp tại Việt Nam.
Tìm cách chen chân
Chuyên gia marketing Hoàng Tùng nhận định tiềm năng thị trường thức ăn nhanh rất lớn nên cơ hội cho các DN cung ứng cũng hấp dẫn. DN Việt còn một số hạn chế như khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm trong một thời gian dài còn thấp, kinh nghiệm làm việc với đối tác quốc tế chưa nhiều...
Các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế chọn nhà cung cấp dựa vào 3 nguyên tắc chính: chất lượng, giá cả, kinh nghiệm của nhà cung ứng. Việc sử dụng nguyên liệu nội địa có thể giúp tiết kiệm chi phí, đưa thương hiệu gần gũi hơn với người bản địa và tạo được cảm tình với khách hàng. Vì vậy, nếu DN Việt đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi thức ăn nhanh, họ sẵn sàng hợp tác.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thông thường khi các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài vào Việt Nam, nhà nhượng quyền đặt ra tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về nguồn thực phẩm đầu vào. Chẳng hạn, châu Á có dịch bệnh ở heo, bò nên nguồn thịt heo, bò từ châu Á không được chấp nhận.
Thịt gà cũng kiểm soát khắt khe: giống gà nào, quy chuẩn ra sao, kỹ thuật chăn nuôi, truy xuất nguồn gốc xuất xứ… Hiện các DN Việt chưa đáp ứng được những tiêu chí này nên dẫu muốn vẫn không thể vào được chuỗi cung ứng. Đó là chưa kể giá thịt heo tại Việt Nam cao hơn các nước khoảng 20% - 25%; thịt bò, gà cũng cao hơn so với thế giới.
Để tìm cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng thức ăn nhanh, nếu chỉ dựa vào nỗ lực của từng DN vẫn chưa đủ mà phải có chiến lược dài hạn, có tính hệ thống của ngành chăn nuôi, bắt đầu bằng việc đầu tư, kiểm soát con giống, thức ăn, xây dựng quy chuẩn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có kinh nghiệm 12 năm làm việc với nhiều DN thức ăn nhanh, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, cho biết: “Các DN thức ăn nhanh luôn tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa và sẵn sàng ngồi lại cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn rất gay gắt. Mới đây, bánh mì tròn của ABC Bakery đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào hệ thống McDonald’s. Chúng tôi cũng đang xây thêm 1 nhà máy ở Tân Bình với công suất 14.000 bánh/giờ, chuyên về bánh hamburger để chuẩn bị cho sự phát triển nhanh chóng của các chuỗi thức ăn nhanh sắp tới…”.
Đòi hỏi sự ổn định và tính cam kết
Là CEO chuỗi Pizza Home ở Hà Nội, ông Hoàng Tùng cho hay các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế luôn đòi hỏi nghiêm ngặt về tiêu chuẩn thực phẩm đầu vào cũng như sự ổn định và tính cam kết mà không phải DN bản địa nào cũng có năng lực cung cấp. Bên cạnh đó, các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế luôn có một phần nguyên liệu họ tự chế tạo như là bí quyết và phần này họ chỉ nhập khẩu chứ hiếm khi nội địa hóa. Kế nữa, những thương hiệu mới bước chân vào một thị trường mới, để an toàn, có xu hướng sử dụng những nhà cung cấp trong khu vực đã có thời gian dài cung ứng nguyên liệu.
Bình luận (0)