Ngành công thương TP HCM tập trung rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), trong đó đặc biệt chú trọng việc khơi thông thị trường, kích cầu tiêu dùng để tạo môi trường cho DN xoay xở phục hồi trong các tháng cuối năm 2020, quyết không để DN nào phải phá sản. Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết như vậy.
. Phóng viên: Sở Công Thương TP HCM đang triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất - kinh doanh các tháng cuối năm 2020. Cụ thể, sở sẽ tập trung vào những hoạt động nào?
- Ông PHẠM THÀNH KIÊN, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM: Qua tiếp xúc với các hội ngành nghề và DN, đặc biệt là DN thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP HCM, chúng tôi ghi nhận thực tế nhiều DN đang rất khó khăn và dự đoán tình hình sẽ càng căng thẳng hơn trong thời gian tới. Vì vậy, sở đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN vượt khó, trong đó tập trung 3 giải pháp trọng tâm. Một là, tăng cường các hoạt động tiếp xúc DN để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn. Hai là, tổ chức xúc tiến thị trường trong nước. Ba là, tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), để hỗ trợ DN mở rộng thị trường xuất khẩu.
. Thứ tự ưu tiên đối với 3 giải pháp này như thế nào?
- Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP HCM ước đạt 331.514 tỉ đồng, tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 13,7%); tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN TP ước đạt 16,96 tỉ USD, tăng 6,3% (cùng kỳ tăng 7,2%). Số liệu này cho thấy thị trường (cả trong và ngoài nước) còn khó khăn, mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2019.
Vì vậy, để thúc đẩy tăng trưởng, 2 trong 3 giải pháp trọng tâm là tập trung hỗ trợ DN mở rộng thị trường, mục tiêu là kích cầu tiêu dùng, tạo đầu ra cho DN để góp phần duy trì, ổn định sản xuất. Trong điều kiện cả chiến lược kinh doanh của DN lẫn sự điều hành quản lý của nhà nước đều ưu tiên thị trường nội địa, việc hỗ trợ DN khai thác thị trường nội địa cộng với sự lạc quan tiêu dùng vẫn còn lớn, nhất là sau những kết quả phòng chống dịch Covid-19 của TP cũng như cả nước, sẽ có tác động tích cực.
Trong chương trình “60 ngày vàng khuyến mãi”, các doanh nghiệp ở TP HCM được phép khuyến mãi đến 100% giá trị hàng hóa. Ảnh: THANH NHÂN
. Nhưng trước mắt có lẽ phải tính toán hỗ trợ DN giải quyết hàng tồn kho để thu hồi vốn, tái thiết lập trạng thái sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bình thường mới?
- Đúng là thời gian qua, DN nhiều lĩnh vực gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, tỉ lệ tồn kho lớn. Giải pháp trước mắt cần làm là tiến hành nhanh các chương trình khuyến mãi tập trung, kéo dài nhằm đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Sở đang triển khai 2 chương trình: "60 ngày vàng khuyến mãi" kéo dài từ ngày 1-6 đến 30-7 và "Kích cầu tiêu dùng năm 2020" từ ngày 2 đến 5-7. Khá nhiều DN trên địa bàn TP đã liên hệ đăng ký tham gia 2 chương trình này.
Với chương trình "60 ngày vàng khuyến mãi", lần đầu tiên TP HCM cho phép các DN, cửa hàng được khuyến mãi đến 100% giá trị sản phẩm trong khi trong điều kiện bình thường, mức khuyến mãi tối đa được cho phép là 50%. Chúng tôi khuyến khích tất cả DN, hộ kinh doanh trên địa bàn TP tham gia và gửi thông tin đăng ký chương trình về sở để được xác nhận và là cơ sở để đưa vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi quyết toán thuế.
Còn chương trình "Kích cầu tiêu dùng năm 2020" được triển khai theo hình thức hội chợ với quy mô khoảng 500 gian hàng, ưu tiên cho DN TP HCM trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ 100% chi phí gian hàng cho các DN tham gia.
Hai chương trình trên kết hợp với chương trình kích cầu du lịch nội địa (Sở Du lịch đang triển khai thực hiện) sẽ tạo ra giải pháp đồng bộ nhằm kích thích, hỗ trợ DN thúc đẩy, khôi phục hoạt động thương mại - du lịch trên địa bàn TP nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, TP HCM còn tích cực hỗ trợ DN trên địa bàn xúc tiến bán hàng đi các địa phương cũng như tìm cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp; mục tiêu là tiếp tục hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ. Đưa hàng hóa các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP HCM và đưa hàng hóa TP vào hệ thống phân phối các tỉnh, thành cũng như mở rộng ra các thị trường khác.
Hỗ trợ cụ thể, hiệu quả hơn
Theo ông Phạm Thành Kiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và chưa có tiền lệ đã gây tác động nặng nề đến kinh tế thế giới lẫn Việt Nam. Những khó khăn, vướng mắc mới xuất hiện đòi hỏi chính sách, biện pháp hỗ trợ phải cụ thể, rõ ràng hơn. Trước tiên là làm sao cho truyền thông giữa cơ quan quản lý và DN nhanh chóng, hiệu quả hơn. Group điện thoại di động giữa Sở Công Thương và các DN theo 4 ngành trọng điểm đã được hình thành để tiếp nhận, kịp thời thông tin về khó khăn một cách chi tiết, cụ thể.
Sở Công Thương TP cũng vừa thành lập Tổ công tác hỗ trợ DN và phân công một phó giám đốc làm tổ trưởng. Tổ công tác thường xuyên trao đổi với các hội ngành nghề để nắm bắt khó khăn của DN, từ đó làm việc với các sở - ngành liên quan, chủ động bố trí lịch đi thăm DN, mời các ngành liên quan cùng đi để thống nhất các nội dung hỗ trợ DN ngay trong buổi làm việc. Chẳng hạn, một số DN không tiếp cận được vốn ngân hàng đã phản ánh về sở, sở đã chuyển hồ sơ đến các ngân hàng và sẽ sắp xếp trực tiếp cùng ngân hàng đến làm việc với DN để thống nhất phương án gỡ vướng.
Bình luận (0)