Cùng với các món ăn Nhật, Hàn… đang được ưa chuộng tại TP HCM, gia vị cho các món ăn này đang được nhà nhập khẩu, phân phối đẩy mạnh ra thị trường.
Tiện, dễ xài và… ngon
Đó là nhận xét chung của nhiều bà nội trợ về các loại gia vị chế biến sẵn, nhất là gia vị cho những món ăn du nhập từ châu Âu, Nhật, Hàn. Tại khu bán gia vị trong Lotte Mart Nam Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Thoa (ngụ quận 7) hào hứng khoe vừa mua được bột ớt Hàn Quốc, ớt sừng, các loại rau củ để làm kim chi cùng một số hũ gia vị xốt thịt nướng, xốt hải sản nướng, xốt spaghetti... “Tụi nhỏ ở nhà thích đồ nướng. Mình mua sẵn mấy hũ xốt và thịt về, tụi nhỏ tự cắt thịt, ướp gia vị rồi khơi bếp than lên nướng. Rất tiện!” - chị Thoa nói.
Dạo quanh khu vực bán gia vị tại các siêu thị Lotte Mart, Aeon - Citimart, Aeon, Maximark… chúng tôi ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng về chủng loại, thương hiệu các loại xốt gia vị, nước chấm. So với năm trước, số lượng mặt hàng gia tăng đáng kể. Phong phú nhất là tương ớt, tương cà, xốt thịt nướng, xốt thịt xào, xốt BBQ, xốt thịt hầm, xốt mì vị nấm, vị truyền thống, mayonnaise, kewtipe, các loại tương nước chấm pha sẵn, muối ớt chanh, muối ớt xanh, xốt lẩu Thái, lẩu Hàn Quốc, lẩu Nhật… được nhập khẩu trực tiếp từ Mỹ, Ý, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… có giá bán trên dưới 50.000 đồng/hũ 350g.
Ngoài ra, một số loại gia vị nhập khẩu không dùng phổ biến trong gia đình người Việt như lá húng tây, lá húng quế, lá kinh giới… cũng được bày bán ở siêu thị, giá bán lên đến trên dưới 70.000 đồng/hũ 14g. Sản phẩm trong nước thì có các loại gia vị hoàn chỉnh thịt ram, thịt nướng sả, thịt nướng ngũ vị, xốt kho sả, xốt kho thơm, xốt kho gừng; gia vị thịt kho, cá kho, viên gia vị nấu lẩu, hủ tiếu, bún bò, phở, bún riêu, lagu, cà-ri… (có cả viên gia vị cho các món chay) giá bán chỉ trên dưới 10.000 đồng/món. Gia vị, bột chiên giòn, bột làm bánh các loại, bột béo, bột nghệ, bột ngũ vị hương… cũng đa dạng không kém, đủ để bà nội trợ trổ tài với tất cả các món mà không cần phải ghé chợ mua thêm.
Cạnh tranh sôi động
Mặc dù chưa có thống kê cụ thể về mức tăng trưởng của nhóm hàng gia vị nhưng các siêu thị đều cho biết tăng trưởng của nhóm hàng này - đặc biệt là gia vị chế biến sẵn rất tốt.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, sức tăng trưởng cao của thị trường một phần nhờ nhu cầu của người tiêu dùng tăng nhanh. Thay vì đi ăn ngoài, nhiều gia đình trở lại nấu tại nhà. Công thức nấu nhiều món Thái, Nhật, Hàn, món Âu… được giới thiệu đầy trên báo, tivi, mạng xã hội và với sự trợ giúp của các loại gia vị, nước xốt tổng hợp, việc nấu nướng rất dễ dàng.
“Bán chạy và phong phú nhất là các loại gia vị nướng. Nướng theo khẩu vị Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam hoàn toàn khác nhau, cách dùng gia vị cũng khác nên bên cạnh hàng nhập khẩu, gia vị sản xuất trong nước của Cholimex, Thuận Phát, Bình An, Nam Phương (nhãn hiệu Barrona), Ajinomoto, Knorr, Nosafood, Việt Hương, Việt Ấn… cũng liên tục giới thiệu mặt hàng mới, sức tiêu thụ tốt. Cạnh tranh sôi động hơn, các siêu thị đang đa dạng hóa mặt hàng này” - bà Thảo cho biết.
Còn ông Trần Hòa Quốc, Giám đốc Marketing của Lee Kum Kee tại Việt Nam, cho rằng nhu cầu ăn ngon của người Việt vẫn đang phát triển, người Việt sành ăn ngày càng nhiều. Nhà hàng quán ăn đang phải không ngừng đa dạng hóa thực đơn, nâng cao chất lượng món ăn chứ không còn chạy theo số lượng (đĩa to) như trước.
Do vậy thị trường gia vị Việt Nam vẫn còn rất lớn cho Lee Kum Kee và các doanh nghiệp khác. Trước đó, năm 2014, thương hiệu sản xuất nước chấm, gia vị nổi tiếng Trung Quốc này công bố mức tăng trưởng 400% trong nhiều năm liền tại thị trường Việt Nam và sẽ đưa thêm nhiều sản phẩm mới vào thị trường hơn 90 triệu dân.
Nhà bán lẻ hỗ trợ tối đa
Đại diện một hệ thống siêu thị tại TP HCM cho biết sự gia tăng nhanh các mặt hàng gia vị ngoại nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc không chỉ từ nhu cầu thị trường mà còn nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của các nhà phân phối Nhật Bản, Hàn Quốc đang có mặt tại Việt Nam. Thông qua các chiến dịch hỗ trợ, cho dùng thử sản phẩm, giảm giá bán… họ đã đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn.
Ngoài ra, các cơ quan xúc tiến thương mại của Nhật, Hàn Quốc còn tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, kết nối nhà sản xuất - cung ứng hàng hóa nước họ với các nhà bán lẻ trong nước. Hiện các nhà bán lẻ trong nước cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nội địa giới thiệu sản phẩm nhưng chưa được bài bản và mang tính lâu dài như nhà bán lẻ ngoại.
Bình luận (0)