Có khoảng 50 doanh nghiệp (DN) Việt Nam được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhưng hầu hết các DN này đang làm hàng xuất khẩu, rất ít DN bán hàng ra nội địa hoặc bán số lượng rất hạn chế. Trong khi đó, ngày càng nhiều người tiêu dùng bỏ sẵn sàng chi tiền mua thực phẩm được quảng cáo là hữu cơ chưa qua kiểm nghiệm, chứng nhận.
Thị trường 3.000 tỉ đồng/năm
Tiêu thụ thực phẩm hữu cơ trên thế giới và Việt Nam đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, chưa có số liệu chính thức nhưng theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN - BSA, mỗi năm người Việt Nam chi ra hơn 3.000 tỉ đồng cho sản phẩm hữu cơ được chứng nhận và hữu cơ "tự xưng". Thị trường miền Nam tiêu thụ khoảng 150 tỉ đồng sản phẩm hữu cơ mỗi tháng. Tuy nhiên, ở miền Bắc, ngoại trừ một số sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có tiêu chuẩn quốc tế thì hầu hết là tự sản tự tiêu, sản phẩm hướng hữu cơ chứ chưa qua chứng nhận và chủ yếu bán ở các khu vực dân cư cao cấp.
Ở miền Nam, thị trường thực phẩm hữu cơ đa dạng hơn, bao gồm hàng sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu có tiêu chuẩn quốc tế của Mỹ, châu Âu hoặc Úc, Thái Lan. Những cửa hàng đơn lẻ bán sản phẩm hữu cơ mọc lên ngày càng nhiều, kể cả hàng bán online, Facebook của các cá nhân nhưng đa phần trong đó là sản phẩm chưa được chứng nhận.
Thực phẩm hữu cơ có mặt trong giỏ quà Tết năm nay
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen thì chỉ ra rằng khoảng 3% người tiêu dùng TP HCM và Hà Nội dùng thực phẩm hữu cơ và bắt đầu dùng từ 2 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng về thực phẩm hữu cơ chính thống (được chứng nhận), mỗi tháng cả nước chi khoảng 33,4 tỉ đồng (TP HCM 14,1 tỉ đồng, Hà Nội 19,3 tỉ đồng). Trong tương lai, cả nước có thể tăng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ lên 192,3 tỉ đồng (TP HCM 141 tỉ đồng và Hà Nội 51,3 tỉ đồng) nên tiềm năng của mặt hàng này còn rất lớn. Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc hàng nhãn riêng Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cũng cho biết nhu cầu tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đang tăng nhanh. Mặc dù vậy, mới có khoảng 36% người tiêu dùng biết về thực phẩm hữu cơ. Nhận thức về thực phẩm hữu cơ xoay quanh vấn đề thực phẩm an toàn nên tiếp cận với sản phẩm còn thụ động, nghĩ rằng thực phẩm hữu cơ và thực phẩm nhà trồng giống nhau, cùng đạt tiêu chuẩn sạch như nhau. Hiện Saigon Co.op đang tiêu thụ hơn 3.000 tấn rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm mỗi tháng nhưng chỉ 0,2% trong đó là hàng hữu cơ. "Saigon Co.op đầu tư vào nguồn hàng này và bảo đảm giá rẻ hơn thị trường 20%-30%. Sản phẩm hữu cơ tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hiện không đủ cung cấp cho thị trường. Nhu cầu thị trường còn quá lớn nên Saigon Co.op mong hợp tác với các DN sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ đạt chứng nhận quốc tế; tham gia đầu tư vào sản phẩm để bao tiêu đầu ra, bảo đảm nguồn hàng ổn định chất lượng, sản lượng và giá tốt" - ông Võ Hoàng Anh cho biết.
Thiếu "giấy thông hành"
Tại Diễn đàn Nông nghiệp hữu cơ 2017 do Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ tổ chức mới đây, nhiều nhà khoa học đề xuất tính toán lộ trình phát triển nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở có sự chuyển dịch dần từ sản xuất an toàn sang sản xuất hữu cơ, vừa phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa bảo đảm yêu cầu về an ninh lương thực. Muốn như vậy, chính phủ cần có chính sách để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên sự khuyến khích hỗ trợ mới dừng lại ở lời nói mà chưa có hành động cụ thể, thiết thực nào, các DN đi đầu về sản xuất hữu cơ cũng chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nhà nước và chính quyền địa phương. Sản xuất hữu cơ đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn, vì vậy rất cần có chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia cũng như chính sách hỗ trợ người sản xuất trong xây dựng và bảo hộ thương hiệu, chứng nhận sản phẩm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ... Bên cạnh đó, cần có chính sách tín dụng hợp lý với lãi suất ưu đãi cho DN đầu tư vào lĩnh vực hữu cơ. Các DN thì mong mỏi có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia và khung pháp lý cho sản xuất, chứng nhận và giám sát cho sản phẩm hữu cơ. Đây sẽ là "giấy thông hành" cho các DN, hộ gia đình, HTX sản xuất hữu cơ được "chính danh" tại thị trường nội địa, tránh tình trạng nhập nhèm giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận quốc tế và hữu cơ "tự xưng". Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Chính phủ đã giao bộ này xây dựng dự thảo Nghị định Nông nghiệp hữu cơ. Dự thảo nghị định đã hoàn tất, không lâu nữa nghị định sẽ ra đời, hy vọng sẽ tạo cú hích mới cho phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Bình luận (0)