Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), cho biết tuy mới bắt đầu xuất khẩu dừa tươi đi Mỹ từ năm 2017 nhưng đã đạt sản lượng khá lớn. Hiện mỗi tuần công ty xuất khẩu khoảng 2-3 container dừa canh tác an toàn. Công ty đang xúc tiến xây dựng một vùng nguyên liệu dừa hữu cơ để cung cấp thêm sản phẩm dừa tươi hữu cơ cho thị trường Mỹ.
Dừa hữu cơ được trưng bày tại một hội nghị về nông nghiệp hữu cơ
Dừa là một trong những nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế do quá trình sinh trưởng của dừa cũng như tập quán canh tác của nông dân rất gần với các tiêu chí hữu cơ. Theo dữ liệu cập nhật đến cuối tháng 12-2017 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, có 21 giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ đã được cấp cho sản phẩm dừa tại Việt Nam. Danh mục các mặt hàng dừa hữu cơ được công nhận rất đa dạng: dừa tươi, nước dừa, cốt dừa, sữa dừa, dầu dừa, kem dừa, dừa nạo,...
Theo các doanh nghiệp (DN), các sản phẩm dừa hữu cơ ít được bán tại thị trường nội địa do giá bán cao và màu sắc không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Việt. Ví dụ như nước cốt dừa hữu cơ có màu hơi sậm trong khi người tiêu dùng trong nước thích sản phẩm phải có màu trắng sáng. Trong khi đó, những mặt hàng này được bán rất chạy ở Mỹ và châu Âu (EU) nên các DN phần lớn sản xuất để xuất khẩu đi các thị trường này. Giữa lúc các DN có nhu cầu mở rộng diện tích dừa có chứng nhận hữu cơ thì một số DN phải đối mặt với việc mất vùng nguyên liệu. Nguyên nhân là do nông dân trồng xen canh các cây trồng khác như ca cao, bưởi… và sử dụng nhiều hóa chất trong canh tác, không đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ nên bị tổ chức cấp chứng nhận Control Union (Hà Lan) loại ra trong quá trình tái cấp chứng nhận. Trước thực tế trên, các DN chỉ còn cách tìm vùng nguyên liệu khác hoặc đàm phán tăng quyền lợi của nông dân để họ giữ vùng dừa hữu cơ cho DN.
Bình luận (0)