Khẳng định chủ trương đúng đắn
Phóng viên: Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vừa tròn 10 năm thực hiện. Ông có thể đánh giá thành quả đạt được?
- Ông ĐỖ THẮNG HẢI, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Tôi có thể khẳng định rằng sau 10 năm triển khai cuộc vận động, thành quả lớn nhất chính là đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% trong năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây; nền kinh tế chuyển từ nhập siêu năm 2010 với 12,5 tỉ USD đã chuyển sang xuất siêu gần 7,2 tỉ USD vào năm 2018. Đáng ghi nhận nhất là hệ thống phân phối hàng Việt Nam phát triển nhanh chóng với tỉ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỉ lệ từ 90% trở lên và tại các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tiện lợi là từ 60% trở lên.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, mang ý nghĩa to lớn về nhiều mặt. Cuộc vận động khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp góp phần xây dựng nền kinh tế tự lực tự cường; phát huy sức mạnh dân tộc giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng vững và vượt qua khó khăn trong xu hướng hội nhập; tạo nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt và làm cho mọi người gắn bó, chia sẻ với nhau hơn.
Như vậy, hàng Việt đã chinh phục được người tiêu dùng Việt chứ không chỉ nhờ hiệu ứng tuyên truyền, thưa ông?
- Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận Xã hội - Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2019 cho thấy 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động, bản thân họ "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 52% cho hay sẽ "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam"; 36% cho rằng "trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam". Tỉ lệ này có xu hướng tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2010, chỉ có 59% người được hỏi cho rằng kể từ khi có cuộc vận động, bản thân họ "tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thì tỉ lệ này năm 2019 đã tăng lên 67%.
Ngoài ra, đa số người được hỏi cho rằng khi có nhu cầu mua sắm hàng hóa, họ thường quan tâm đến các yếu tố chất lượng, giá cả, độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe người tiêu dùng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Một bộ phận đáng kể quan tâm đến thương hiệu của sản phẩm và chỉ có 15% quan tâm mức độ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của sản phẩm.
Các con số cho thấy người tiêu dùng hiện nay đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam thay cho việc mua sắm hàng nhập ngoại vốn tồn tại lâu nay. Nhiều sản phẩm hàng hóa nội địa đã chinh phục được người tiêu dùng và trở thành niềm tự hào của người Việt.
Sản xuất nồi cơm điện Kim Cương tại Công ty TNHH Cơ điện Minh Khoa Ảnh: Hoàng Triều
Có DN than rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như việc cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hay áp lực "bôi trơn" khi đưa hàng vào các kênh phân phối?
- Tôi thừa nhận có những áp lực cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước với hàng hóa nhập ngoại và hàng hóa do các DN FDI sản xuất, trong đó chủ yếu là khối DN nhỏ và vừa, các hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ của Việt Nam còn hạn chế về vốn, thương hiệu, chưa có khả năng bảo vệ mình trước những vi phạm về thương mại. Một số hàng hóa Việt Nam chưa đủ năng lực cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, dịch vụ hậu mãi...
Chưa kể, kết nối cung cầu giữa các chủ thể về sản xuất - kinh doanh còn chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các DN nhỏ và vừa; sản phẩm, dịch vụ của các DN, hợp tác xã, hộ nông dân, tại khu vực nông thôn và hệ thống phân phối hiện đại còn khó khăn.
Ở góc độ quản lý, lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự... Công tác truyền thông chưa thực sự đánh mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng; vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.
Vươn ra thế giới
Không thể phủ nhận người tiêu dùng ngày càng yêu thích và tin tưởng hơn với hàng Việt Nam, quay lưng lại với hàng Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giả mạo, mượn xuất xứ nổi lên. Ông nghĩ sao về điều này?
- Hàng Việt đã dần khẳng định được vị thế tại thị trường trong nước, thậm chí còn vươn ra thế giới như VinFast, Trung Nguyên, Vinamilk, Vinamit, Vinatex, FPT, Viettel... Người tiêu dùng cũng ngày càng yêu thích và tin dùng hàng Việt Nam, tất nhiên là với hàng Việt Nam uy tín và chất lượng. Đây đúng là cơ hội để tình trạng giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xảy ra.
Để chống gian lận xuất xứ, ngày 4-7-2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của DN sản xuất - kinh doanh chân chính. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu và ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa có thể xảy ra.
Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao trong đề án; đồng thời tăng cường công tác dự báo để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng bằng các giải pháp hiệu quả trong việc huy động nguồn lực nhà nước và xã hội thực hiện sản xuất - kinh doanh hàng Việt Nam có chất lượng, cũng như phòng chống hàng giả, gian lận thương mại.
tiếp tục nâng tầm thương hiệu
Thứ trưởng muốn gửi gắm điều gì đến DN và người tiêu dùng Việt nhân dịp năm mới?
- Năm 2020, đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, với hàng loạt FTA đã ký và có hiệu lực, đặt ra cho DN rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. DN Việt cần tận dụng những công cụ hỗ trợ hợp pháp từ các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng tầm thương hiệu, khẳng định vị thế của mình để chinh phục người tiêu dùng Việt và vươn ra thế giới.
Với người tiêu dùng Việt Nam, tôi mong mỗi người nâng cao nhận thức hơn nữa trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam có thương hiệu, có chất lượng; coi sử dụng hàng Việt Nam là thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Bình luận (0)