Chị Mai Khanh, sống tại chung cư trên đường Phan Văn Hớn, quận 12, cho biết vừa xuống siêu thị phía dưới nhà mua gạo, miến ăn liền cùng một số loại rau củ, trái cây, thịt heo, thịt bò, sữa… đủ dùng trong 1 tuần. Là giảng viên một trường đại học ở TP HCM, chị Khanh được nghỉ dạy 1 tuần theo quy định chung để tránh dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra. "Mình cũng ngán con virus này nên ngại ra ngoài hay đến nơi đông người. Trước đây ở 1 mình nên ăn tiệm là chính nhưng giờ phải chịu khó ngồi nhà, trữ sẵn thực phẩm và tự nấu ăn cho an toàn" – chị Khanh bộc bạch.
Chị Khanh là một trong khá nhiều người tại TP HCM tạm thay đổi thói quen sinh hoạt để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa nguy cơ bị lây nhiễm virus Corona trong những ngày gần đây. Chị Thanh Hòa, nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông trên địa bàn quận 3, cũng vừa vào Aeon Bình Tân "gom" cả xe thực phẩm về nhà. "Siêu thị không đông lắm, chỉ nhộn nhịp ở khu vực hàng tươi sống hay quầy bán gạo, mì gói, lương khô. Ai cũng tranh thủ mua dự trữ" – chị Hòa nói.
Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Aeon, Big C, Lotte Mart, Vinmart, Emart… ở TP HCM, lượng khách và doanh thu trong vài ngày trở lại đây đã tăng 30% - 40% so với cùng kỳ. Thông lệ mọi năm, thời điểm sau Tết mãi lực siêu thị rớt xuống thấp nhưng mấy ngày nay, người tiêu dùng lại tăng mua sắm. Các mặt hàng đang bán chạy nhất là lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô và các mặt hàng trong nhóm sản phẩm bình ổn giá.
Nhiều người tăng mua các loại rau củ quả, thịt tươi sống và thực phẩm chế biến trong mùa dịch. Ảnh: Tấn Thạnh
Trước diễn biến phức tạp của dịch nCoV, TP HCM đã lên kế hoạch ứng phó, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phân phối chủ lực chủ động chuẩn bị nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng cho thị trường trong trường hợp dịch bệnh phát triển nhanh, nhu cầu tiêu thụ tăng cao.
Các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch dự trữ nguồn hàng. Trong đó, Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM chuẩn bị đến 44.000 tấn, bằng với lượng chuẩn bị cho thị trường Tết vừa rồi.
Bộ Công Thương mới đây cũng đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Cùng với đó, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã làm việc với các nhà phân phối Saigon Co.op, VinMart, Big C cũng như những nhà sản xuất để có kịch bản, phương án đáp ứng đủ nguồn hàng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công Thương trong việc chuẩn bị kịch bản, kể cả trong trường hợp xấu nhất. Cơ quan này cũng đề nghị tất cả các hệ thống phân phối lớn như Vinmart, Saigon Co.op, Big C trên cả nước đồng loạt tăng nguồn hàng dự trữ của quí I năm nay từ 30%-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, yêu cầu Ban Quản lý các chợ đầu mối tăng cường cung cấp hàng để có nguồn hàng dự trữ.
Bình luận (0)