Diễn đàn “Kết nối doanh nghiệp (DN) - người tiêu dùng: Thực phẩm sạch dành cho ai” - do Báo điện tử Trí Thức Trẻ (Soha.vn) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức sáng 28-12 tại TP HCM - đã bàn nhiều về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường thực phẩm sạch.
Phải trả giá đắt
Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng trên thế giới không có định nghĩa về thực phẩm sạch mà chỉ có thực phẩm lành mạnh (heathy food) vì sản phẩm ra thị trường phải tuân thủ quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ ở Việt Nam mới có khái niệm thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn, trong đó thực phẩm sạch được hiểu là tuân thủ những quy định về an toàn và vệ sinh.
Từ kinh nghiệp làm thực phẩm sạch của mình, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết đầu tư vào sản xuất sạch rất tốn kém, đòi hỏi phải có nhiều vốn và thời gian. Việt Nam hiện có 3 “trường phái” sản xuất nông nghiệp: thuần vô cơ, gốc hữu cơ ngọn vô cơ và thuần hữu cơ. Nếu DN theo thuần hữu cơ như Vinamit thì phải trả giá rất đắt do không khống chế được sự phát triển của vi sinh vật.
Theo ông Viên, một số DN làm nông nghiệp sạch thất bại do không đủ vốn, phải bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, DN khởi nghiệp trong lĩnh vực này nên chọn vùng có hệ sinh thái không quá cạn kiệt, phải hiểu và biết cách phát triển vi sinh vật và khả năng ức chế chúng; đồng thời phải biết cách xây dựng niềm tin với người tiêu dùng và kênh bán hàng…
Khó chuyển hướng
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, nhận định nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển sang làm nông nghiệp sạch. Nguyên nhân là do nền nông nghiệp Việt Nam đang thành công về bảo đảm an ninh lương thực, tiếp tục giữ vững thành tích về sản lượng, dùng mọi biện pháp kích thích tăng vụ, tăng năng suất dẫn đến bất chấp về chất lượng, giá trị nông sản, ảnh hưởng môi trường, kéo theo thu nhập, đời sống và sức khỏe nông dân sa sút.
Làm nông sản sạch có vẻ như đi ngược với xu thế hiện nay nên gặp nhiều thách thức cả đầu vào lẫn đầu ra, từ việc tìm phân bón được phép sử dụng, thực hành sản xuất sạch, liên kết theo chuỗi… Trong đó, việc đầu tư sản xuất tốn kém nhưng không tìm được đầu ra ổn định là khó khăn lớn của nông dân. Người tiêu dùng đô thị có nhu cầu cao về sản phẩm sạch nhưng không biết mua ở đâu, trong khi nông dân làm ra sản phẩm sạch lại không biết bán chỗ nào.
Khi nào thực phẩm sạch mới phổ biến?
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu là lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia nông nghiệp, DN… tin rằng 5 năm tới, nhiều người Việt sẽ được dùng thực phẩm sạch với điều kiện nhà nước cho mở những vùng đất có hệ sinh thái tốt để phát triển nông sản an toàn, đồng thời có biện pháp khuyến khích trong lĩnh vực này.
Từ góc nhìn người tiêu dùng, MC Phan Anh cho rằng chắc còn lâu lắm người tiêu dùng mới được dùng thực phẩm sạch một cách phổ biến. Lẽ ra, thực phẩm ra thị trường là phải sạch và tất cả người dân được quyền dùng thực phẩm sạch thì diễn đàn này lại phải bàn thực phẩm sạch dành cho ai. Đây là điều bất thường và người dân rất bức xúc về vấn đề này.
Bình luận (0)