Doanh nghiệp (DN) nào nội địa hóa càng cao, chủ động nguyên liệu đầu vào thì càng thích nghi tốt trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới
Dịch bệnh Covid-19 đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, những hệ lụy do dịch bệnh đã kéo giảm tăng trưởng nhiều lĩnh vực. Nhiều ngành nghề sản xuất trở nên khó khăn hơn do phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc, trong khi nguồn cung này đang gián đoạn, chưa biết khi nào mới phục hồi.
Riêng tại TP HCM, sự tác động thể hiện rõ ở con số cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) TP HCM 2 tháng đầu năm giảm 1,96%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 3,21% (cùng kỳ tăng 6,46%).
Ở tất cả ngành nghề, sự sụt giảm đến từ sức mua của thị trường nội địa lẫn đơn hàng xuất khẩu. Tình hình bức bách hơn khi nguyên vật liệu dự trữ của nhiều DN đã gần cạn. Trong khi chờ đợi tín hiệu phục hồi của nguồn hàng từ Trung Quốc, không ít DN đã chủ động xoay xở để không bị cuốn vào "cơn bão Covid-19".
Giữa lúc hầu hết DN sản xuất công nghiệp chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19 và lo sản xuất trong quý II sẽ đình trệ do thiếu nguyên phụ liệu, Công ty CP Bóng đèn Điện Quang vẫn nhịp nhàng hoạt động. Bà Mai Thị Hương, Trưởng Bộ phận Truyền thông Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cho hay điểm cốt lõi để Điện Quang có thể yên tâm sản xuất là nhờ công ty tự chủ được nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra.
"Nhà máy công nghệ cao của Điện Quang vừa đi vào hoạt động từ năm 2019, sản xuất chip dùng trong bóng đèn. Bên cạnh đó, từ trước Tết, công ty đã chuẩn bị nguyên liệu sản xuất đến hết quý I. Một số linh kiện công ty sử dụng có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, đều là 2 thị trường đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, vì vậy chúng tôi phải chủ động tìm nguồn linh kiện từ Ấn Độ để thay thế" - bà Hương tiết lộ.
Ngoài việc vừa nhập 2 lô hàng từ Ấn Độ, Điện Quang còn yêu cầu bộ phận nghiên cứu - phát triển (R&D), xuất nhập khẩu tìm nguồn nguyên liệu thay thế ở trong nước.
Công ty TNHH Pouchen vẫn đang sắp xếp để duy trì sản xuất ổn định ít nhất đến hết tháng này, bảo đảm việc làm cho hơn 62.000 lao động. Theo đại diện công ty, Pouchen sử dụng đến 60% nguyên liệu nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) nên dịch bệnh và sự gián đoạn nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch của công ty, nguồn nguyên liệu có khả năng thay thế từ thị trường Hàn Quốc cũng đang gặp trục trặc. Trong lúc chờ các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc hoạt động và cung ứng nguyên liệu trở lại, công ty nỗ lực tìm nguồn nguyên liệu vải lưới, vải da, vải nhân tạo trong nước để thay thế.
Công ty CP Bóng đèn Điện Quang đã chủ động được nguyên liệu lẫn kinh doanh nên chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Bộ phận hoàn thiện bo mạch điện tử. Ảnh: THANH NHÂN
Cơ hội cho nhà cung ứng nội địa
Đầu tháng 2, các DN ở Khu Công nghệ cao TP HCM là những thành viên đầu tiên thuộc Hiệp hội Các KCX - KCN TP HCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp lưu thông hàng hóa là nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị và phụ tùng giữa Việt Nam - Trung Quốc nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN.
Bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cho hay tình hình chung là các DN bị ảnh hưởng đều linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để vượt khó. Nhờ vậy, hơn 80 DN trong Khu Công nghệ cao vẫn đang hoạt động ổn định, dù sản lượng có giảm 15% so với kế hoạch. Do hầu hết DN trong Khu Công nghệ cao là thành viên của các tập đoàn đa quốc gia nên trong ngắn hạn, những DN này đã được công ty mẹ điều phối, chia sẻ nguyên liệu để duy trì sản xuất.
Song song đó, DN phải tự tìm nguồn nguyên liệu từ những thị trường ngoài Trung Quốc để thay thế. Trong khi nguyên liệu từ Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… giá cao, chi phí và thời gian vận chuyển lớn thì nguồn nguyên liệu tại chỗ với lợi thế giá rẻ, vận chuyển nhanh đang được các DN ưu tiên tìm kiếm. Hiện các DN trong Khu Công nghệ cao mới sử dụng khoảng 28% nguyên liệu trong nước làm hàng xuất khẩu. Trước tình hình dịch bệnh, nhiều DN có kế hoạch sử dụng đến 50% nguồn nguyên liệu trong nước.
"Một số DN mở rộng tìm kiếm nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện từ các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cũng tích cực kết nối, giới thiệu các DN trong khu với các nhà cung ứng trong nước" - bà Loan nói.
Theo bà Loan, nếu nhìn theo hướng tích cực, việc thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu là cơ hội cho các nhà sản xuất nguyên, phụ liệu trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các DN FDI. Tuy nhiên, để nắm được cơ hội này, DN cung ứng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phải cải thiện chất lượng sản phẩm nhanh, cùng với đó là nâng cao năng lực tài chính, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh, ổn định.
DN hỗ trợ ngành điện, điện tử chưa bị ảnh hưởng
Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 2 tháng đầu năm 2020 ước tăng 11,34% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 28,92%) do các sản phẩm mạch điện tử tích hợp, máy quét có thể kết nối với máy xử lý dữ liệu tự động tăng khá nhờ đơn hàng sản xuất nhiều hơn.
Các DN công nghiệp hỗ trợ ngành điện - điện tử không bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình dịch bệnh, mức tăng trưởng sản xuất dự kiến trong năm 2020 tiếp tục là 20% so với năm trước (năm 2019 tăng 20,7%).
Bình luận (0)