xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luật PPP: Chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp

Minh Chiến

Các đại biểu Quốc hội đánh giá chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp là cơ chế mang tính cách mạng, rất đặc biệt của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư

Kiểm toán dự án hay một phần dự án đầu tư hợp tác công - tư; cần cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư hay không… là những nội dung quan trọng, nhận được nhiều ý kiến tranh luận tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) vào ngày 28-5.

Ngại kiểm toán là không bình thường

Cho rằng dự án PPP là đầu tư công, đại biểu (ĐB) Bùi Văn Phương (tỉnh Ninh Bình) kiến nghị phải thực hiện theo quy định của Luật Kiểm toán. "Không muốn kiểm toán, ngại kiểm toán là những điều không bình thường. Nhà nước đã kêu gọi hợp tác công - tư thì phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước - người dân - nhà đầu tư, nên không để nhà đầu tư chịu thua thiệt. Chúng ta đã có bài học đầy đau xót về sai phạm trong thời gian vừa qua" - ĐB Bùi Văn Phương nói.

Đồng tình với quan điểm kiểm toán toàn bộ dự án PPP, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) phân tích bản chất của dự án PPP là hoạt động nhà nước thu hút nguồn lực đầu tư, huy động vốn tư nhân. Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, phương án tài chính của dự án, không kiểm toán toàn diện dự án thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí…

ĐB Bùi Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) dẫn kết quả kiểm toán thời gian qua đã kiến nghị giảm thời gian thu phí đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách hàng ngàn tỉ đồng. Từ thực tế, ông Phương cho biết nhiều dự án PPP tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, lãng phí nên kiểm toán đã góp phần hạn chế những bất cập đó.

Ủng hộ việc bổ sung vai trò kiểm toán trong dự luật nhưng ĐB Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) lưu ý cần bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, chỉ kiểm toán vốn, tài sản nhà nước tham gia các dự án. Theo ông Hòa, khi phát hiện tiêu cực, Kiểm toán Nhà nước đề nghị chủ đầu tư giải trình cụ thể, nếu phát hiện sai phạm sẽ kiểm toán toàn bộ dự án. "Tuy nhiên, cũng không được lạm dụng kiểm toán để gây khó khăn cho hoạt động của nhà đầu tư" - ĐB Phạm Văn Hòa nói.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lại băn khoăn về thời điểm tiến hành kiểm toán dự án PPP để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng bảo đảm chặt chẽ trong quản lý. Chỉ nên xác định kiểm toán ở 2 giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành. Giai đoạn thứ hai là khi dự án đã đi vào vận hành trong một thời gian ổn định, khi đó sẽ kiểm toán các chỉ số liên quan đến chất lượng và đánh giá hiệu quả dự án.

Luật PPP: Chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) phát biểu tại hội trườngẢnh: Nguyễn Ý

Cơ chế mang tính cách mạng

Thảo luận về cơ chế chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư được quy định trong dự thảo luật, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) nhấn mạnh để thu hút nguồn lực và tạo sự bình đẳng trong các thành phần kinh tế vào dự án PPP thì việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư là vấn đề quan trọng. Dự thảo luật đưa ra 2 phương án về cơ chế chia sẻ rủi ro gồm: chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và chia sẻ phần lỗ, lãi. "Nhà nước chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp mà nguyên nhân lỗ là do họ điều hành, quản trị kém thì không hợp lý" - bà T uyết nhấn mạnh.

Dành phần lớn thời gian góp ý về cơ chế chia sẻ rủi ro, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - ĐB Vũ Tiến Lộc cho rằng vấn đề này chỉ nên quy định khung trong Luật PPP, không nên đi vào chi tiết quy định cách thức, tỉ lệ chia sẻ rủi ro của nhà nước. Trong chia sẻ rủi ro nên bổ sung thêm biện pháp bảo lãnh trách nhiệm thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước. Bởi theo ông, hiện nay có rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng, các cơ quan nhà nước không tôn trọng hợp đồng PPP khá phổ biến. Điều này gây lo ngại rất lớn đối với các nhà đầu tư tư nhân.

Về tỉ lệ chia sẻ rủi ro 50%-50% khi doanh thu giảm, ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng chưa hợp lý. Khi doanh thu giảm sẽ có 2 lý do, có thể do quy hoạch và chính sách thay đổi thì tỉ lệ chia sẻ như trên là hợp lý. "Nhưng khi quy hoạch và chính sách không có thay đổi mà doanh thu vẫn giảm thì chúng ta phải xác định rõ lỗi thuộc nhà đầu tư ở mức độ nào, lỗi thuộc nhà nước mức độ nào để điều chỉnh tỉ lệ, không nên quy định cứng 50%-50%" - ông đề xuất.

Giải trình thêm một số nội dung về cơ chế chia sẻ rủi ro, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của dự luật. Nếu luật không có được các cơ chế này thì sẽ không hấp dẫn được các nhà đầu tư. Cơ bản các ĐB cũng thống nhất với cả phương án 1 là chia sẻ theo doanh thu chứ không phải theo lỗ, lãi.

Đợt 2 của kỳ họp này sẽ được triển khai họp tập trung theo thông lệ, diễn ra từ ngày 8-6, tại TP Hà Nội.

Chi sai tiêu chuẩn, định mức hàng trăm tỉ đồng

Trong phiên họp cùng ngày, trình bày báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2018, ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước, đã chỉ ra tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức với số tiền hơn 331 tỉ đồng; 34/45 địa phương được kiểm toán đã sử dụng sai nguồn 889 tỉ đồng; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 145 tỉ đồng; 37/45 địa phương chưa hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định 1.606 tỉ đồng.

Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh:

Thận trọng với nhà đầu tư "tay không bắt giặc"

Ban hành luật liên quan đến hình thức đối tác công - tư rất cần thiết, nhất là khi nó đã và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, thậm chí là sai phạm nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước. Ngoài ra, có thể cân nhắc cho phép áp dụng hình thức PPP với những dự án ở nơi mà người dân bắt buộc phải sử dụng, không có sự lựa chọn khác. Với những dự án này, việc tính toán thời gian thu phí, mức thu phí phải được công khai, không gây gánh nặng và bức xúc cho người sử dụng.

Với riêng hình thức BT, cơ chế hiện hành được coi là nguồn cội thất thoát nhiều phía khi có đủ kẽ hở cho nhà đầu tư và nhà quản lý liên kết để trục lợi, ảnh hưởng đến lợi ích của cả nhà nước và người dân. Do vậy, nên thiết kế hình thức đấu thầu và thanh toán cho nhà đầu tư trúng thầu bằng tiền thu được từ bán đấu giá đất đối ứng, thay vì hoàn toàn theo đề xuất của nhà đầu tư như hiện nay.

Đặc biệt, cần thận trọng khi đề xuất các nội dung về bảo lãnh của Chính phủ đối với dự án PPP, kể cả bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh ngoại tệ, bảo lãnh vốn vay hay các loại bảo lãnh khác. Chuyện này xuất phát từ thực tế quy mô các dự án thường rất lớn, thời gian kéo dài và chưa tách biệt nhà đầu tư dự án PPP với nhà khai thác dự án PPP, từ đó gây ra nhiều hệ lụy và rủi ro không chỉ cho các bên tham gia dự án mà còn cho cả nền kinh tế như: rủi ro tỉ giá, ngoại hối, rủi ro nợ công, rủi ro thị trường tài chính. Mặt khác, nó tạo điều kiện dung dưỡng một số nhà đầu tư thiếu năng lực, thậm chí "tay không bắt giặc", làm méo mó thị trường cũng như khoét sâu sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh.

Luật sư Lê Nết, Công ty Luật LNT & Partners:

Tập trung kỹ vào BOT và BT

Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) là một bước tiến lớn, song quá trình thực hiện thành công hay không thì còn phụ thuộc nhiều lý do. Bước tiến lớn của luật là đã đưa ra các quy định cụ thể về chia sẻ rủi ro, quy định về báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư; nghị định hướng dẫn thi hành luật cần làm rõ hơn các quy định này, trong đó quan trọng là các hướng dẫn cụ thể về thời gian thẩm định dự án đầu tư, quy trình lựa chọn nhà đầu tư… nhằm tránh tình trạng trì trệ, gây chậm trễ ảnh hưởng tới các bên.

Thực tế những năm qua, 2 lĩnh vực chủ yếu áp dụng PPP là giao thông vận tải (hơn 200 dự án) và phát điện (23 dự án). Các hình thức đầu tư chủ yếu là xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và xây dựng - chuyển giao (BT). Vậy, thay vì triển khai quá nhiều hình thức đầu tư, Luật PPP nên tập trung kỹ vào 2 hình thức BOT và BT, đồng thời chỉ áp dụng PPP cho những dự án lớn, dành những dự án nhỏ cho các quy định về xã hội hóa theo nghị định của Chính phủ về xã hội hóa.

T.Nhân - P.Nhung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo