Với 16 hiệp định thương mại (FTA) đã ký, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng và là điểm nóng thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp (DN) tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhu cầu thị trường lớn
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có về thị trường. Để hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội này, Sở Công Thương nỗ lực làm cầu nối giữa DN CNHT với DN FDI và nhà sản xuất đầu cuối, đồng thời phối hợp cùng Bộ Công Thương, các DN, tổ chức nước ngoài tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, kết nối DN.
Những hỗ trợ tích cực của chính quyền TP HCM cộng với nỗ lực đổi mới của DN đã dần mang lại kết quả khả quan. Mới đây, tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT năm 2019 do Sở Công Thương TP HCM tổ chức, 42% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá, 74% nhà mua hàng đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi sau cuộc tiếp xúc tại ngày hội. Mặc dù vậy, các nhà mua hàng phản ánh chưa phát triển được nhiều nhà cung cấp thực thụ từ những nhà cung cấp tiềm năng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, phụ trách xúc tiến đầu tư thị trường quốc tế KCN Long Hậu, thống kê trung bình sau khi làm việc với 5-6 nhà cung cấp tiềm năng, các nhà đầu tư trong KCN Long Hậu chỉ có thể chọn 1 hoặc 2 DN để hợp tác.
Các doanh nghiệp tự giới thiệu, tìm kiếm khách hàng tại hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2019 vừa diễn ra ở TP HCM
Ông Ngô Bảo Anh, đại diện bộ phận mua hàng Công ty Panasonic Việt Nam, cho biết với mục tiêu tối ưu hóa chi phí mua sắm, Panasonic chủ động tăng xuất khẩu những nguyên vật liệu, thiết bị của nhà cung cấp địa phương đến những nhà máy Panasonic ngoài Việt Nam nên luôn mở rộng tìm kiếm những nhà sản xuất chất lượng tốt, giá cả phù hợp, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh để mua hàng. Theo đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng của Panasonic, bên cạnh các chỉ tiêu bắt buộc về tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu về máy móc thiết bị, các quy trình sản xuất, bảo quản, kiểm soát chất lượng..., nhà cung ứng còn phải đáp ứng các yêu cầu về tài chính, năng lực đáp ứng đơn hàng, trách nhiệm xã hội (điều kiện làm việc cho người lao động, bảo vệ môi trường...).
Nâng tầm ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhà mua hàng là DN FDI và DN sản xuất đầu cuối, Sở Công Thương TP HCM đang phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành của TP trong các hoạt động hỗ trợ về đào tạo, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN CNHT. "Mọi hoạt động nhằm hướng đến mục đích tạo "hệ sinh thái" nâng tầm ngành sản xuất CNHT" - ông Nguyễn Phương Đông thông tin.
Đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cho biết tổ chức này đang phối hợp cùng ngành công thương hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất cho DN CNHT Việt Nam. Những DN được hỗ trợ đã có những bước tiến đáng kể: hơn 70% công ty ứng dụng các công cụ, tiêu chuẩn quản lý sản xuất mới; 50% DN tăng lợi nhuận/doanh thu, khai thác thêm được khách hàng tiềm năng.
Về phía DN cung ứng, ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp & Thương hiệu LIDOVIT, cho rằng những hỗ trợ kịp thời sẽ trở thành đòn bẩy giúp tăng sức bật cho DN. Tuy nhiên, muốn thành công, DN phải chủ động đầu tư đồng bộ vào hệ thống công nghệ thiết bị, hệ thống quản trị tiên tiến và hệ thống nguồn nhân lực để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý; từ đó kết nối hiệu quả, cạnh tranh công bằng với các nhà cung ứng khác.
Dành đất cho sản xuất công nghiệp
Theo ông Nguyễn Phương Đông, cùng với chính sách hỗ trợ nội lực vốn, TP HCM chủ động dành quỹ đất cho DN đầu tư nhà xưởng. Song song đó, kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập KCN với quỹ đất dự kiến lên đến gần 300 ha để phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới.
Bình luận (0)