Sáng 13-1, Sở Công Thương TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm 2020 - triển khai kế hoạch năm 2021 và công bố "Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP HCM năm 2020".
Nỗ lực bám sát mục tiêu kép
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết năm 2020 với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu suy thoái, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung… đã ảnh hưởng đến hoạt động của hơn 82% doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên địa bàn, có đến 68,4% DN bị thu hẹp thị trường tiêu thụ trong nước, hầu hết DN gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, ngành công thương TP đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám sát thực hiện nhiệm vụ vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa ổn định sản xuất - kinh doanh. Kết quả, khu vực công nghiệp và thương nghiệp duy trì tỉ lệ đóng góp trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ở mức 35,3%, tương đương năm 2019, đồng thời đóng góp 1,15 điểm phần trăm trong mức tăng 1,39% GRDP của TP.
Trên tổng thể, các chỉ số công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu năm 2020 dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2019 nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN đang trên đà hồi phục, thể hiện rõ ở quy mô toàn ngành công nghiệp đến nay đã tăng 2,6% so với tháng 12- 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa quý sau tăng cao hơn quý trước (trong đó quý IV tăng 13% so với quý cùng kỳ năm 2019).
Nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy tận dụng thời cơ, chuyển sang sản xuất khẩu trang trong năm 2020
"Thành công lớn nhất trong năm là chuỗi sản xuất công nghiệp trên địa bàn không những không bị đứt gãy mà còn là lĩnh vực tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Theo công bố của Cục Thống kê TP, đăng ký thành lập DN hoạt động trong ngành công nghiệp năm 2020 tăng 14,7% về số DN, vốn đăng ký đạt gần 65.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước" - ông Nguyễn Phương Đông nêu.
Trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, nhờ sự tiếp sức của thương mại điện tử, ngành bán lẻ trở thành "bệ đỡ" cho cả khu vực dịch vụ. Đây cũng là ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất trong năm 2020 với 418 dự án, trị giá 233,2 triệu USD vốn đăng ký cấp mới, đóng góp 1,05 điểm phần trăm cho tăng trưởng kinh tế TP; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 759.714 tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ.
Năm 2020, TP còn ghi nhận điểm sáng trong lĩnh vực xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 3,1% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 43,81 tỉ USD. "Năm 2021, ngành công thương TP tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên lĩnh vực mình phụ trách" - ông Nguyễn Phương Đông nói.
Cụ thể, ngành công thương sẽ tiếp tục triển khai những chương trình hỗ trợ của TP đối với 4 ngành công nghiệp trọng yếu, quy hoạch hệ thống thương mại cũng như 3 đề án mà TP HCM có lợi thế là logistics, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu…
Bước tiến lớn trong sản xuất công nghiệp
Trước tình hình khó khăn của dịch bệnh, việc giữ cho TP không có ngày nào đứt gãy chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng được đánh giá là thành công lớn. Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp với sự dẫn dắt của 4 ngành công nghiệp trọng yếu đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngành bán lẻ đạt tăng trưởng cao trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều thách thức do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm sút trong những tháng đầu năm.
Sự vững vàng của các DN lĩnh vực sản xuất công nghiệp không chỉ thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 ngành tăng 0,5% so với năm 2019 (chỉ số IIP nhóm ngành hóa dược - cao su - nhựa tăng 4,7%, chế biến thực phẩm tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019) mà cơ cấu ngành, sản phẩm công nghiệp đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Các DN cũng đã nhanh nhạy thực hiện tái cơ cấu sản xuất, tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch nên biến "nguy" thành "cơ". Ở chiều ngược lại, thị trường nội địa tăng trưởng khá chính là điểm tựa để các DN duy trì, ổn định sản xuất; doanh thu nội địa cũng giúp nhiều DN trụ được trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn do tác động của đại dịch.
Theo Sở Công Thương, sự trưởng thành của các DN công nghiệp TP trong thời gian qua một mặt là do áp lực cạnh tranh thị trường, mặt khác là các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của TP đã mang lại kết quả tích cực.
"Năm nay, TP HCM công nhận 92 sản phẩm công nghiệp và công nghiệp chủ lực tiêu biểu của 56 DN. Số sản phẩm được công nhận tăng đến 68% so với năm 2018 và 2016. Qua kiểm tra thực tế, chúng tôi nhận thấy các DN đã tăng cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm, đây là điều rất đáng mừng" - ông Nguyễn Phương Đông nói.
Cũng theo ông Đông, năm 2020 rất nhiều DN đã chủ động tìm hiểu, gửi hồ sơ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu để được có tên trong danh sách sản phẩm tiêu biểu của TP, đồng thời được tiếp cận sâu hơn các chính sách của TP nhằm hỗ trợ lĩnh vực này phát triển.
Trao đổi bên lề hội nghị, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương, cho hay để ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của TP phát triển hơn nữa, TP và DN cần tiếp tục ứng dụng công nghệ trong đổi mới công nghệ sản xuất, chuyển đổi, làm chủ một số công nghệ sản xuất nhằm gia tăng một cách mạnh mẽ số lượng DN vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đẩy mạnh hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định vai trò ngành công thương rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế TP.
Phó chủ tịch yêu cầu ngành công thương tập trung định hướng vào những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư"; triển khai các chương trình hỗ trợ DN đẩy mạnh phục hồi sản xuất - kinh doanh sau dịch Covid-19.
Ngoài ra, tiếp tục phát huy vai trò của các hội đồng ngành (trong đó có Hội đồng Phát triển các ngành công nghiệp TP cũng như thành lập các hội đồng phát triển xuất khẩu, Hội đồng Phát triển logistics) trong việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành chủ lực của TP giai đoạn 2021-2025.
Bình luận (0)