Trong thời đại công nghiệp 4.0, nông dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Có thể nhận thấy, cuộc "cách mạng" trong tư duy sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ đã giúp hợp tác xã (HTX) và nông dân miền Tây chuyển mình mạnh mẽ, vươn lên làm giàu bền vững, đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước ta.
Tạo ra thương hiệu sạch
Bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu khởi nghiệp với sản phẩm gạo an toàn Đồng An khi ở tuổi gần 60. "Hằng ngày, hầu như gia đình nào cũng phải ăn gạo nhưng trên thị trường có nhiều loại gạo không bảo đảm an toàn cho sức khỏe, có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng. Từ đó, tôi muốn đưa sản phẩm gạo an toàn đến với cộng đồng, an toàn cho sức khỏe. Gạo an toàn của tôi được quản lý khép kín, minh bạch từ khâu trồng lúa đến công đoạn đóng gói, tiêu thụ được kiểm soát nghiêm ngặt" - bà Gương cho biết lý do khởi nghiệp bằng sản phẩm gạo an toàn.
GS-TS. Võ Tòng Xuân kiểm nghiệm sản xuất lúa hữu cơ tại xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp). Ảnh: NHA MÂN
Ban đầu, bà Gương sản xuất thử nghiệm với diện tích 4.000 m2, sau đó mở rộng diện tích 60 ha trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh, góp phần cải tạo nguồn đất, bảo vệ môi trường xung quanh. Các nhà khoa học đưa ra nhận định, lúa chắc cây, bông trổ đều, không sử dụng chất hóa học trong sản xuất, tạo ra hạt gạo an toàn, bảo an toàn cho sức khỏe cho người trực tiếp sản xuất. Trong lần tham dự kiểm nghiệm chất lượng mô hình sản xuất lúa hữu cơ với diện tích 10 ha tại xã Bình Thạnh (thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp), GS-TS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - cho rằng: "Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đạt được yêu cầu về quy trình sản xuất lúa sạch. Mô hình cần phải sản xuất tập trung hơn để thuận tiện cho khâu sản xuất; đồng thời cần lồng ghép mô hình sản xuất hữu cơ trong các chương trình hỗ trợ kĩ thuật canh tác cho nông dân, nhằm từng bước thay đổi tư duy sản xuất".
Sản phẩm gạo an toàn thương hiệu "Ruộng nhà mình" thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trồng lúa tại các HTX Tiến Cường (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) và HTX Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Đây là mô hình đi đầu ở ĐBSCL về việc xây dựng thương hiệu gạo sạch cho người tiêu dùng, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Sản phẩm gạo an toàn "Ruộng nhà mình" với tôn chỉ hoạt động là công bằng về lợi ích và minh bạch mọi thông tin với người tiêu dùng. Đây được xem như bước tiến đột phá về xây dựng niềm tin cho gạo Việt trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều lo lắng về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Lễ ra mắt thương hiệu gạo “Ruộng nhà mình” tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NHA MÂN
Áp dụng mô hình này, lúa trồng theo hướng VietGAP với quy trình và biện pháp kiểm soát chất lượng từ khâu đầu vào đến đầu ra. Trước khi thu hoạch 10 ngày, tổ chức lấy mẫu ngẫu nhiên phân tích để cơ quan chức năng chứng nhận sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, và các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ Y tế. Sau đó, toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại nhà máy chế biến gạo cao cấp đạt chứng nhận quốc gia và quốc tế.
Trong quá trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, nông dân Nguyễn Anh Dũng (53 tuổi; ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) lai tạo thành công giống lúa "Ngọt đỏ hương dứa" cho ra sản phẩm gạo sạch có màu đỏ, mùi thơm dứa, có tác dụng chữa bệnh. Ông Dũng, cho biết kết quả phân tích của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng tháp và Trường ĐH Cần Thơ, cho thấy hàm lượng dinh dưỡng trong hạt gạo Ngọc đỏ hương dứa có chứa: protein, glucose, chất sắt, canxi, vitamin B1, B2, C, E. Các nhà khoa học cho rằng, gạo Ngọc đỏ hương dứa rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi, người bị tim mạch, béo phì, tiểu đường.
Sản xuất lúa hữu cơ góp phần nâng cao thương hiệu gạo Việt. Ảnh: NHA MÂN
Tại Hậu Giang, Hội Nông dân huyện Châu Thành A cũng vừa kết hợp với thị trấn Bảy Ngàn ra mắt tổ hợp tác bao trái xoài. Tổ hợp tác này gồm 8 thành viên, là những nhà vườn trồng xoài am hiểu kỹ thuật bao trái kỹ thuật chăm sóc xoài theo hướng VietGAP. Toàn huyện này có khoảng 850ha trồng xoài. Xoài bao trái cho năng xuất cao, an toàn thực phẩm do sản xuất theo hướng hữu cơ nên giá bán giá cao hơn xoài thường khoảng 10.000-15.000 đồng/kg. Vì thế, mục tiêu của tổ hợp tác bao trái xoài là giúp nhà vườn chủ động trong khâu bao trái, tạo sản phẩm sạch, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nhà vườn.
Có thể thấy, mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã và đang giúp nông dân giải quyết bài toán thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá thành sản phẩm, góp phần gầy dựng thương hiệu cho nông sản sạch.
Trong nước ủng hộ, xuất khẩu thuận lợi
Thời gian qua, nông sản sạch, an toàn của nông dân miền Tây dần nhận được sự ủng hộ của thị trường trong nước. Tại TP Cần Thơ, các điểm bán nông sản sạch bắt đầu thu hút các bà nội trợ hơn cách đây vài năm. Nhiều quán ăn, nhà hàng, khách sạn đã "nói không" với nông sản không rõ nguồn gốc, chuyển sang đặt hàng sản phẩm từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản sạch. Thậm chí, có quán ăn lớn còn bao tiêu luôn tất cả các loại nông sản từ những trang trại sản xuất nông sản sạch.
Chị Hiếu, chủ quán cơm chay Bách Thảo ở TP Cần Thơ, cho biết quán của chị bao tiêu toàn bộ số rau muống sạch của một giảng viên Trường ĐH Cần Thơ sản xuất ra để phục vụ cho nhu cầu quán cơm sạch, an toàn của chị. "Rau muống này tuy cọng nhỏ nhưng rất ngon và an toàn do không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Giảng viên này sản xuất ra bao nhiêu thì quán của tôi bao tiêu hết bấy nhiêu", chị Hiếu tiết lộ.
Không chỉ được cộng đồng người tiêu dùng trong nước "để mắt" tới, gần đây nông sản sạch ở miền Tây đã nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ... Tín hiệu khả quan này, mở ra hướng đi mới, giúp nông dân phấn khởi hơn trong việc sản xuất nông sản sạch để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế hộ gia đình. Cụ thể, tại hai tỉnh tỉnh Đồng Tháp và An Giang, các mặt hàng xuất khẩu như trái xoài tiêu thụ ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Nga; trái nhãn xuất sang thị trường Mỹ; trái chanh xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản; trái ớt xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Hàn Quốc.
Trái xoài Cao Lãnh bày bán tại cửa hàng mua sắm ở Sân bay Quốc tế Cần Thơ. Ảnh: NHA MÂN
Chúng tôi tham quan mô hình sản xuất xoài theo hướng hữu cơ tại xã Tịnh Thới và Tổ hợp tác xoài VietGAP tại xã Tân Thuận Tây của TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) với tổng diện tích 5,75 ha. Mô hình sản xuất an toàn này, mang lại lợi ích kinh tế như giảm giá thành khoảng 1.000 đồng/kg và tỷ suất lợi nhuận tăng khoảng 1,46%, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Theo đánh giá của UBND TP Cao Lãnh, mô hình góp phần bảo vệ môi trường, an toàn cho nông dân, chất lượng trái xoài ngon hơn được người tiêu dùng ưa chuộng, thuận lợi trong việc ký kết với các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.
Tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài lớn lớn nhất ở ĐBSCL, chuyến hàng xuất khẩu 8 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Mỹ đã mang lại niềm vui phấn khởi cho nhiều nông dân đã gần cả đời gắn bó với cây xoài. Bởi vì, không chỉ chinh phục được thị trường khó tính bậc nhất thế giới, mà còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sạch để nâng cao giá trị thương hiệu nông sản xuất khẩu.
Để trái xoài được xuất khẩu được sang thị trường Mỹ là cả một hành trình dài, đầy gian khó. Trong suốt 10 năm, cơ quan Kiểm dịch động thực vật của 2 nước có nhiều cuộc trao đổi kĩ thuật để thống nhất biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Thế nhưng, điều quan trọng là nông dân trồng xoài phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật mới đến được với người tiêu dùng Mỹ. Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), chia sẻ: "Trái xoài bay sang Mỹ đã tạo nên một bước tiến mới đối với nông dân; đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành hàng xoài trong tái cơ cấu nông nghiệp. Từ đây, mở ra phương thức làm ăn lớn của HTX cũng như nông dân đã bao đời gắn bó với cây xoài".
Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trái xoài là một trong ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp. Để nâng cao giá trị trái xoài, UBND TP Cao Lãnh (Đồng Tháp) quan tâm đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm tiên tiến về thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển xoài. Theo ông Võ Phan Thành Minh, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, đây là mô hình mới và đầu tiên ở khu vực ĐBSCL về xử lý xoài áp dụng công nghệ tiên tiến, giúp trái xoài có thể bảo quản được từ 25-30 ngày, góp phần nâng cao giá trị nông sản trong liên kết tiêu thụ được ổn định hơn, người nông dân yên tâm sản xuất.
Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) được xem là "vương quốc nhãn" với diện tích khoảng 4.000 ha, chuyên sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm nhãn Châu Thành và đã có lô hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ đã cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ cho những hộ trồng nhãn.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Nhãn Châu Thành, chia sẻ: "Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn trái nhãn xuất khẩu, các nhà vườn phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đặc biệt, nông dân phải ghi chép nhật ký sản xuất, tuân thủ các nguyên tắc về sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi năm, nông dân trong HTX xuất khẩu khoảng 1.500 tấn nhãn sang thị trường châu Á, châu Âu".
Chính nông dân là người trực tiếp sản xuất ra nông sản sạch, an toàn nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn quốc tế. Điều này cho thấy, sản xuất lương thiện sẽ giúp nông dân tăng lợi nhuận kinh tế. Mặt khác, đây được xem là chiến lược phát triển bền vững, đúng chủ trương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
3 triệu tem truy suất nguồn gốc nông, thủy sản
Từ cuối năm 2019, UBND tỉnh Hậu Giang đã giao cho Sở Công thương xây dựng đề án truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đề án đặt mục tiêu hỗ trợ 3 triệu tem (gồm 2 triệu tem dán và 1 triệu tem treo) cho các cơ sở, HTX trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn nửa năm triển khai, đến nay, 11 loại nông, thủy sản từ các HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang như: Mãng cầu, quýt đường, chanh không hạt, bưởi da xanh, khóm Cầu Đúc, cá that lát, sữa dê… đã có tem khi xuất bán ra thị trường. Loại tem do đề án hỗ trợ là tem dạng mã QR Code, chỉ cần dùng thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng để nhận diện nhanh và nắm thông tin liên quan về nguồn gốc, ngày sản xuất, lô sản xuất, hạn sử dụng... Đây cũng là đề án nhằm gầy dựng những thương hiệu sạch, an toàn của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
(*) Xem Báo Người Lao Động Online từ ngày 20-7-2020
Kỳ tới: Cần có cơ chế phù hợp!
Bình luận (0)