Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Tùng vừa ký văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thông tin chất lượng nước mắm, gửi 4 bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Công Thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông (TT-TT).
Xử nghiêm nếu tung tin xấu
Xét đề nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và một số hiệp hội... tại bản kiến nghị ngày 20-10 về việc xử lý, ngăn ngừa những hành động gây thiệt hại đến ngành sản xuất nước mắm truyền thống của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế để có ngay thông tin chính thức, công khai, rõ ràng, đầy đủ tới nhân dân về loại và hàm lượng asen (thạch tín) an toàn trong nước mắm cũng như các thông tin cần thiết khác liên quan, tránh gây hoang mang dư luận.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét cụ thể việc chấp hành các quy định pháp luật trong quá trình đưa thông tin trên báo chí của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có). “Thủ tướng giao Bộ TT-TT kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về hoạt động báo chí đối với trường hợp nêu trên” - Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh.
VPCP thông báo để Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ TT-TT và các cơ quan liên quan biết, thực hiện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10-11-2016.
Xung quanh thông tin “nước mắm nhiễm asen”, trả lời báo chí bên lề Quốc hội ngày 22-10, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã có sự bàn bạc với Bộ TT-TT về vấn đề này. Bộ Công an đã phân công một thứ trưởng phụ trách để làm rõ. “Những thủ đoạn, cách thức tung tin gây dư luận xấu để cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh thì phải xử lý nghiêm” - Bộ trưởng Tô Lâm tuyên bố.
Nằm trong giới hạn
Trong ngày 22-10, Bộ Y tế đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nước mắm trên quy mô toàn quốc do liên bộ Y tế, Công Thương, NN-PTNT thực hiện.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế - cho biết các đoàn kiểm tra đã kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; đồng thời lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.
Kết quả, không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) cùng phụ gia thực phẩm với các tỉ lệ khác nhau. Kiểm nghiệm thành phần asen đối với 247 mẫu nước mắm (100% mẫu) đều không phát hiện asen vô cơ (asen độc hại) vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, kiểm nghiệm các kim loại nặng khác như: chì, thủy ngân và cadimi đều nằm trong giới hạn cho phép. Với kết quả này, ông Phong cho rằng không có căn cứ để khẳng định một sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người. “Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không vượt ngưỡng theo quy định, bảo đảm độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm. Quy định này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN” - ông Phong giải thích.
Bộ Y tế cũng khẳng định các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác, gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp. Bộ Y tế cho rằng việc cung cấp các thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm cần phải bảo đảm khách quan, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời.
VINASTAS gây hoang mang dư luận
Trước đó, kết quả khảo sát mặt hàng nước mắm do VINASTAS công bố hôm 17-10 đưa ra nhiều thông số khiến dư luận hoang mang với 125/150 mẫu được khảo sát không đạt ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu về hóa học. Trong đó, trên 50% mẫu không đạt về hàm lượng ni-tơ tổng, 67% không đạt về hàm lượng asen hữu cơ, chủ yếu thuộc về các nhãn hàng nước mắm truyền thống. Ngay sau khi thông tin trên được đưa ra, đã có hệ thống siêu thị lên tiếng từ chối bán mặt hàng nước mắm truyền thống. Bức xúc trước thông tin thiếu chính xác này, hiệp hội nước mắm nhiều tỉnh, thành đã đồng loạt lên tiếng, gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan đề nghị làm rõ.
Nhiều chuyên gia cho rằng cách công bố thông tin của VINASTAS là không chuẩn mực và gây ảnh hưởng xấu đến việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nước mắm. Bởi thực tế, asen vô cơ gây hại cho người sử dụng đã được quy định hàm lượng, còn asen hữu cơ không độc và vẫn tồn tại như một chất tự nhiên trong cá.
Bình luận (0)