Nhiều doanh nghiệp (DN) đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ (organic), thực hiện chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản sạch được thị trường nội địa và người tiêu dùng đón nhận. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm organic Việt Nam: Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ở TP HCM ngày 12-5.
“Miếng bánh” trị giá 72 tỉ USD
Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, hiện nay, Việt Nam còn nhiều diện tích đất đai trong tình trạng hữu cơ (không hoặc rất ít sử dụng hóa chất), tập trung ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nền sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp cùng điều kiện khí hậu thuận lợi, nguồn tài nguyên động - thực vật phong phú rất phù hợp cho yêu cầu canh tác hữu cơ.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, hiện diện tích canh tác hữu cơ của cả nước chỉ khoảng 23.400 ha, chiếm 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Trong lúc diện tích canh tác nông sản sạch quá ít, TS Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT (Úc), cho rằng người tiêu dùng lại rất lo lắng về nông sản và thực phẩm không an toàn. Do đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi rất cần thiết để Việt Nam tiến tới sản xuất nông sản sạch đại trà.
Theo thống kê, thị trường sản phẩm hữu cơ thế giới đang có giá trị 72 tỉ USD (năm 2014) và có mức tăng trưởng hằng năm khoảng 10%. Diện tích canh tác hữu cơ toàn cầu cũng tăng từ 11 triệu ha (năm 1990) lên hơn 43.000 (năm 2014).
Theo ông Wouter Van Ravenhorst, đại diện Control Union (tổ chức chứng nhận thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và Liên minh châu Âu), Việt Nam có nhiều điều kiện phù hợp để tham gia thị trường này, tiến tới phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Ông Wouter Van Ravenhorst lưu ý làm nông nghiệp hữu cơ cần tuân thủ 4 nguyên tắc cơ bản: sức khỏe, môi trường, công bằng và sự quan tâm. Tham gia chuỗi cung ứng, các cơ sở chế biến, kinh doanh phải đáp ứng các quy chuẩn để sản phẩm bảo đảm “hữu cơ” đến tay người tiêu dùng.
Nông sản sạch, bao giờ?
Thời gian qua, khá nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Bên cạnh các thương hiệu tiên phong đã được chứng nhận hữu cơ quốc tế như: Organik Đà Lạt, Hoasua foods, Organica, một số DN trong nước cũng đang tham gia lĩnh vực này như Tập đoàn TH, Vinamit, Saigon Co.op...
Tại hội thảo trên, nhiều DN có chứng nhận hữu cơ quốc tế nhận định Việt Nam là thị trường tiềm năng mà các DN trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông sản sạch. Thực tế, dù dòng sản phẩm này cao hơn sản phẩm thường từ 2-4 lần vẫn tiêu thụ mạnh. Những nông sản hữu cơ được chứng nhận hiện nay đã có rau các loại, thịt heo, thủy sản nuôi, dầu dừa và sắp tới còn có sữa cơ bản đáp ứng được nhu cầu một bữa ăn sạch của người tiêu dùng.
Theo ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Organic Life, thời gian qua, các DN đi tiên phong gặp khó khăn do phải tự xây dựng cả chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bán lẻ trong khi nguồn lực hạn chế. Do vậy, ông đã lập ra một “ngôi nhà organic” chuyên kinh doanh các thực phẩm organic có chứng nhận để chuyên nghiệp hóa từng khâu. Ông Thành tiết lộ thẻ thành viên cửa hàng có mệnh giá đến 50 triệu đồng, cho thấy độ “chịu chi” của khách hàng cho nông sản sạch.
Hệ thống Co.opmart đang tạo được niềm tin của người tiêu dùng nhờ cung cấp thực phẩm, nông sản sạch. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết sắp tới sẽ tham gia phân phối nông sản hữu cơ và sẽ dành những không gian tốt để trưng bày dòng sản phẩm sạch này.
Dự định của các DN cho thấy đầu ra của người nuôi trồng nông sản hữu cơ đang rộng mở và quan trọng là người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều kênh tiếp cận nông sản sạch trong tương lai.
Sẽ có chính sách thu hút đầu tư
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng việc một số DN được quốc tế cấp chứng nhận hữu cơ cho thấy Việt Nam có khả năng sản xuất được những loại nông sản an toàn theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.
“Sắp tới, chúng tôi sẽ tổng hợp các kiến nghị để xây dựng chính sách, đề xuất Chính phủ ban hành nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Nam nhấn mạnh.
Rau, thịt VietGAP khó vào trường học
Tại hội nghị “Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến các trường học trên địa bàn thành phố” do Sở NN-PTNT TP HCM tổ chức ngày 12-5, đại diện các đơn vị sản xuất thực phẩm an toàn cho biết còn gặp nhiều khó khăn trong việc cung ứng sản phẩm vào các trường học.
Theo ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật sản xuất HTX Nông nghiệp Phước An, nếu kết nối trực tiếp được với các trường học, giá thành sẽ giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với sản phẩm đóng gói bán ở siêu thị. Tuy nhiên, hầu hết các HTX rau an toàn chưa tiếp cận được với các trường học mà thông qua các đầu mối trung gian. HTX Phước An cũng mới tiếp cận được khoảng 10 trường học nhưng chủ yếu thông qua các cơ sở thu mua, phân phối chứ không được nhà trường đặt hàng trực tiếp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho hay bà cũng đã chào hàng thịt heo VietGAP vào một số trường học nhưng không bán được vì nhà trường “trả giá” quá thấp, DN không có lời.
Th.Nhân
Bình luận (0)