Doanh thu năm 2019 của Saigon Co.op liên tục tăng trưởng qua các năm, đến năm 2019 đã đạt trên 35.000 tỉ đồng, đóng góp đáng kể vào thị trường bán lẻ cả nước.
Ưu tiên sản phẩm nông nghiệp Việt
Tại khu vực kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với các đơn vị phân phối tại Hội nghị Tổng kết chương trình Hợp tác thương mại và Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh thành đang diễn ra ở Nhà Thi đấu thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11, TP HCM), bàn giao dịch của Saigon Co.op thu hút rất đông doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh của 40 tỉnh thành về dự hội nghị đăng ký tiếp xúc. Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm với bộ phận thu mua của Saigon Co.op, đa số DN, HTX, cơ sở kinh doanh này mong muốn tiếp cận để tìm hiểu thủ tục đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại của TP HCM.
Việc kết nối này đã trở thành một trong những sự kiện mà đại đa số DN các tỉnh, thành trông đợi nhất trong mỗi kỳ hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh. Thống kê từ năm 2011 - lần đầu tiên chương trình Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh được tổ chức, đến nay, số lượt kết nối thành công giữa các nhà phân phối, xuất khẩu, logistics… TP HCM và các tỉnh, thành tăng lên đáng kể. Trong đó, số hợp đồng nguyên tắc giữa Saigon Co.op ký với các nhà cung cấp tiềm năng luôn trong top đầu của bảng thống kê. Một số DN, HTX, cơ sở sản xuất chưa đáp ứng được các điều kiện về quy mô sản xuất - cung ứng, bao bì mẫu mã, giấy tờ chứng nhận chất lượng, chưa sẵn sàng các thủ tục pháp nhân để giao dịch mua bán… cũng rất hài lòng vì được tư vấn cặn kẽ để tiếp tục đầu tư, chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội lần sau.
Nông sản vùng miền kinh doanh tại Co.opmart được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao Ảnh: ĐĂNG THỊNH
Tính đến nay, Saigon Co.op đã có gần 500 hợp đồng thương mại giữa Saigon Co.op ký với các tỉnh, thành để tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường. Cụ thể, mỗi tháng hệ thống gần 1.000 điểm bán của Saigon Co.op gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.opSmile, Cheers… tiêu thụ hơn 1.000 tấn rau củ quả, trái cây của khu vực TP HCM; tiêu thụ gần 2.000 tấn rau củ quả, trái cây, thịt gia súc, gia cầm… của khu vực Đông Nam Bộ; khu vực Tây Nam Bộ cũng đóng góp cho Saigon Co.op gần 3.000 tấn rau địa phương, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến…; khu vực Tây Nguyên thì cung cấp bắp cải trắng, cà rốt, khoai tây, cà chua... còn khu vực miền Bắc thì đóng góp trái cây theo mùa vụ.
Đại diện Saigon Co.op cho hay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm kể trên ngày càng tăng lên khi sự dịch chuyển mua sắm của người tiêu dùng từ chợ truyền thống, kênh truyền thống sang kênh siêu thị ngày càng lớn hơn vào những năm tiếp theo. Với hơn 90% hàng hóa kinh doanh tại hệ thống là hàng Việt Nam, trong nhiều năm qua Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất, ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo cơ hội và điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh và đơn vị cũng đa dạng được mặt hàng, chủng loại, chất lượng hàng hóa…
"Chúng tôi là một trong những nhà phân phối đầu tiên tham gia vào quá trình sản xuất và bao tiêu những mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP đối với các HTX nông nghiệp ngoại thành của TP, khu công nghệ cao, công ty, cơ sở hộ nông dân và các tỉnh thành. Đây được xác định là nhóm hàng nhạy cảm do yếu tố thời vụ, có đặc tính khó bảo quản và đòi hỏi yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm" - đại diện Saigon Co.op khẳng định.
Từ chương trình hợp tác thương mại giữa TP HCM với các tỉnh Nam Bộ, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh, thành trên cả nước với thị trường tiêu thụ TP HCM. Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào bảo đảm đầu ra phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước.
Nhà phân phối này cũng chủ động chọn lọc cùng liên kết hợp tác với các DN có uy tín, chất lượng tốt, sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của Co.opmart, bảo đảm đầu ra cho nông sản và nguồn hàng cung ứng đến người tiêu dùng.
Đông đảo nhà cung cấp các tỉnh thành có nhu cầu kết nối, đưa hàng vào tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op
Không để nông dân chịu thiệt
Nhằm mục đích tạo nguồn hàng ổn định, Saigon Co.op đã đồng hành, hỗ trợ các hộ nông dân trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, với nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo đúng quy trình sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm VietGAP, chuỗi an toàn.
Đến nay, nhiều HTX qua quá trình đồng hành cùng Saigon Co.op, với sự hỗ trợ từ việc ứng vốn cho các HTX, hỗ trợ thanh toán nhanh, tạm ứng thanh toán trước tiền mua hàng vào dịp cao điểm Tết cho các HTX nông nghiệp. Theo các nhà cung cấp, với thương hiệu nhà bán lẻ uy tín, Saigon Co.op luôn đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ này luôn linh động điều chỉnh giá phù hợp theo từng thời điểm để nông dân không bị thiệt.
"Chúng tôi luôn đặt yêu cầu các HTX, nhà sản xuất, hộ nông dân phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Sản phẩm nông thủy sản đưa vào kinh doanh tại hệ thống Saigon Co.op phải bảo đảm an toàn thực phẩm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat, kháng sinh, kim loại năng, vi sinh vật… trong giới hạn mức cho phép, an toàn đối với sức khỏe con người. Khi đã có mặt trên quầy kệ của siêu thị, cửa hàng trực thuộc Saigon Co.op, tất cả sản phẩm sẽ được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ hoặc đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất trước khi giao hàng đến siêu thị, người tiêu dùng.
Nhiều tiêu chuẩn đối với sản phẩm nông sản bán tại Co.opmart
Theo bộ phận mua hàng của Saigon Co.op, sản phẩm nông sản được tiêu thụ tại siêu thị Co.opmart, Co.opFood nói riêng và các hệ thống siêu thị khác nói chung được kiểm soát tương đối chặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, về mẫu mã, về tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm. Những sản phẩm này phải được kiểm soát từ vùng trồng, sản xuất theo quy trình đạt chất lượng an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.
Một yêu cầu quan trọng khác là nhà sản xuất áp dụng kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản sau thu hoach, sơ chế - bao gói, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, tiện lợi đồng thời có sự liên kết với các vùng trồng để xác định khả năng tiêu thụ của thị trường, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, chạy theo thị trường đẫn đến "được mùa mất giá" gây thiệt hại cho các HTX, hộ nông dân.
Bình luận (0)