Trung tâm thương mại Aeon Mall tại quận Tân Phú, TP HCM và Bình Dương có thể xem là trung tâm mua sắm cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ theo phong cách Nhật. Người tiêu dùng có thể đến đây vui chơi cả ngày, ăn uống với hơn 100 loại sushi, hoặc các nhà hàng theo phong cách Việt Nam – Nhật – Thái Lan – Hong Kong; mua sắm quần áo mỹ phẩm Nhật Bản.
Kết hợp cùng Aeon, hệ thống siêu thị Aeon-Citimart cũng đang trở thành điểm mua sắm thực phẩm Nhật. Trong các siêu thị có cả trăm loại gia vị, bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn do hệ thống độc quyền cung cấp.
Hệ thống siêu thị Lotte Mart là trung tâm mua sắm các mặt hàng nhập khẩu Hàn Quốc. Quầy rau củ quả tươi, quầy kimchi, quầy thịt tẩm ướp sẵn với đủ loại sườn nướng, ba chỉ ướp xốt cay, sườn bò Mỹ tẩm xốt BBQ… mang lại những nét đặc trưng cho phong cách ẩm thực Hàn.
Đến Lotte Mart, khách hàng có cơ hội làm quen với món kimbap, hoặc miến trộn, hoặc đậu phộng hầm, hoặc tokbokki xốt cay… Những mặt hàng gia dụng, mì gói, dụng cụ nhà bếp… kiểu Hàn tạo thêm sự hứng thú cho các bà nội trợ cũng như việc ăn uống, giải trí, mua sắm hàng ngày ở các gia đình.
Hàng Thái Lan chưa có siêu thị riêng nhưng các kỳ hội chợ hàng tiêu dùng Thái kéo dài gần cả tuần, với mấy trăm gian hàng bày bán thức ăn chế biến sẵn, nhựa gia dụng, hoá mỹ phẩm, hàng may mặc… đã đem đến cho người Sài Gòn những ngày mua sắm hàng Thái khá hấp dẫn.
Diễn ra gần cả chục năm, mỗi năm vài kỳ, hội chợ hàng Thái tạo nên thói quen cho những bạn trẻ thích trà sữa Thái, gỏi ba khía, xôi sầu riêng… Dấu ấn của cả trăm loại xà bông hanmade hoa cỏ thiên nhiên, hoặc dầu xoa bóp tinh dầu thiên nhiên có thể xem là nét độc đáo, vì đã có một lượng khá lớn người tiêu dùng chờ hội chợ hàng Thái để mua sản phẩm này.
Hàng nhập từ Mỹ chưa có hẳn siêu thị lớn nhưng trên các mạng online và một số cửa hàng nhỏ, người tiêu dùng đã có thể mua hàng ngàn mặt hàng. Đến cửa hàng bách hoá ở quận 1, khách có thể mua từ cuộn băng vệ sinh, chai nước rửa tay cho đến rượu, sôcôla, dầu gội, cùng cả trăm loại thực phẩm chức năng nhập từ Mỹ. Muốn tìm loại nào cửa hàng chưa bày bán, chỉ cần đặt hàng, trong hơn một tháng sau sẽ có hàng về Việt Nam cung ứng cho nhu cầu khách mua.
“Ở Sài Gòn chỉ cần có tiền, mua gì cũng có”, đang trở thành thực tế của đời sống mua sắm tiêu dùng. Từ trái cây, rau củ quả, thịt, sữa cho đến các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang, chỉ cần người mua có nhu cầu thì sẽ có người bán cung ứng tận nơi.
Đời sống tiêu dùng phong phú, tất yếu chi phí cũng tăng lên cao. Một hộp tăm tre bán lề đường 2.000 đồng, một gói tăm Nhật 20.000 đồng; một cuộn băng vệ sinh phụ nữ hàng Việt Nam 13.000 đồng, cuộn băng vệ sinh Mỹ 180.000 đồng… Có tiền để mua sắm, kể cũng hay.
Tính tới thời điểm hiện nay, thị trường bán lẻ tại TP HCM chỉ còn khoảng 235 ngôi chợ truyền thống (trước năm 2005 có trên 400 ngôi chợ), cùng với khoảng 85 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và gần 800 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động.
Theo định hướng phát triển thương mại hiện đại, từ nay đến năm 2020, TP HCM dự kiến có thêm 43 siêu thị và 92 trung tâm thương mại. Trong đó khu vực quận 1 sẽ là nơi có nhiều siêu thị và trung tâm thương mại nhất với 23 siêu thị và 24 trung tâm thương mại.
Bình luận (0)