xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thêm đơn hàng nhờ sản xuất xanh

Bài và ảnh: Thanh Nhân

Nhờ kịp thời chuyển đổi sang sản xuất xanh, nhiều doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu và trụ vững trong giai đoạn khó khăn

Công ty TNHH Dệt may Trung Quy (Long An) vừa xuất 2 container vải có nguồn gốc sợi hữu cơ cho đối tác ở Mỹ. Đây là lô hàng đầu tiên sau khi công ty đưa vào vận hành nhà máy sản xuất xanh, thân thiện với môi trường từ đầu năm 2023.

Trụ vững nhờ kịp thời chuyển đổi

Ông Trần Văn Quy, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty, cho biết nhà máy được đầu tư đồng bộ công nghệ tiên tiến của Đức, có thể sản xuất khoảng 300 tấn vải hữu cơ một tháng cho các nhãn hàng quốc tế. Ông Quy thông tin thêm trong khi xuất khẩu các sản phẩm dệt may truyền thống chưa phục hồi thì xuất khẩu các loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế vẫn có đầu ra tốt. 

"Có khoảng 10 nhãn hàng lớn của châu Âu, Mỹ đang tìm hiểu sản phẩm thân thiện môi trường của công ty. Nhận thấy tiềm năng thị trường lớn, Trung Quy đã phát triển 20 loại vải khác có nguồn gốc hữu cơ, sẵn sàng sản xuất khi khách hàng tăng nhu cầu" - ông Quy tiết lộ.

Thêm đơn hàng nhờ sản xuất xanh - Ảnh 2.

Trái cây xuất khẩu của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính .Ảnh: AN NA

Với ngành rau củ quả, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Tổng Giám đốc Công ty XNK VinaT&T Group, cho hay xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng trưởng rất tốt, gần 20%. Chủ lực vẫn là những thị trường Việt Nam có thế mạnh như Trung Quốc, Mỹ, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sản phẩm trái cây Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiêu chí ở nhiều thị trường khác nhau, trong đó mỗi thị trường là 1 sân chơi riêng, mỗi sân chơi lại có luật chơi riêng. 

"Sản phẩm xuất được vào Mỹ không có nghĩa là vào châu Âu, Trung Quốc được. Ví dụ, Mỹ có quy định mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói do chính Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp và chỉ cho những loại đã qua đàm phán giữa 2 chính phủ vào. Ở châu Âu, Canada cho tất cả các mặt hàng rau củ quả Việt Nam vào không cần thông qua đàm phán nhưng kiểm soát rất chặt hơn 36 hoạt chất; nếu sản phẩm vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen, không được xuất khẩu nữa nên rủi ro rất cao" - ông Tùng nêu dẫn chứng.

Theo đại diện Vinafruit, thế giới đang hướng tới nông nghiệp xanh, kinh tế xanh. Chẳng hạn, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thể hiện rất rõ vai trò của kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Rất nhiều thứ mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải dần thay đổi để đáp ứng luật chơi của thế giới, như: bao bì, đất, chống phá rừng, không gây ô nhiễm và giảm chất thải carbon. 

Một số DN đã đạt chứng nhận GlobalGAP, organic; nhiều cơ sở đóng gói, bao bì từ vùng nguyên liệu tái chế, đất cho trồng cây không phá rừng đạt chứng nhận xã hội... Riêng Vina T&T gần như tiên phong trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới của thế giới, đủ điều kiện xuất khẩu sang tất cả thị trường. 

"Vừa rồi, sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và tạo được tiếng vang lớn; xuất khẩu bưởi vào Mỹ cũng đang tăng trưởng tốt. Nông sản Việt Nam đã có thị trường, có kim ngạch xuất khẩu tốt, giờ phải giữ vững chất lượng, không vi phạm những hàng rào kỹ thuật của thị trường và bảo vệ được thương hiệu để xuất khẩu bền vững" - ông Tùng tâm huyết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, phản ánh xuất khẩu giày dép, túi xách sang châu Âu giảm đến 60%-70%, nhiều DN lớn đang thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, các DN da giày đang lúng túng vì thiếu chứng nhận sản phẩm, nguyên phụ liệu xanh để đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu. Điều này ảnh hưởng lớn đến quá trình chuyển đổi xanh trong sản xuất.

Xu hướng tất yếu

Thực tế, các DN trong nước nhận thức rõ xanh hóa sản xuất là yêu cầu bắt buộc nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tiêu dùng. Càng chậm thay đổi, DN càng dễ bị loại khỏi cuộc chơi chung trên trường quốc tế. Nhìn sang đối thủ cạnh tranh số 1 của ngành dệt may Việt Nam là Bangladesh, từ cuối năm 2022 đến nay, quốc gia này được nhắc đến như một điển hình nắm bắt tốt cơ hội trong khó khăn. Trong lúc tiêu dùng toàn cầu suy giảm, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tuột dốc thì các DN Bangladesh vẫn trụ vững, đơn hàng đổ về tới tấp vì đáp ứng được tiêu chuẩn xanh.

Từ bài học mất thị trường xuất khẩu về tay đối thủ cạnh tranh của ngành may mặc, DN các ngành xuất khẩu chủ lực khác như lương thực - thực phẩm, da giày, đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy sản, gạo và rau củ quả... đang tập trung vào tiêu chuẩn xanh. 

Dù vậy, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, bà Lý Kim Chi phản ánh một bộ phận DN sản xuất vẫn chưa hiểu về "xanh" nên cũng không biết phải bắt đầu xanh hóa từ đâu. Vì vậy, bên cạnh sự chuẩn bị của DN, nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho DN hiểu thế nào là "xanh" và những chính sách hỗ trợ việc xanh hóa sản xuất.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ, nêu thực tế các tiêu chuẩn xanh không quá mới mẻ mà là sự cập nhật, bổ sung các quy định, yêu cầu đối với hàng hóa sản xuất lẫn nhập khẩu. 

Chẳng hạn, với ngành gỗ, từ năm 2013 châu Âu đã áp dụng tiêu chuẩn về xuất xứ nguồn gốc của gỗ, gần đây là quy định mới liên quan đến chống phá rừng. Các DN ngành gỗ đã có thời gian chuẩn bị nên không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, trường hợp các DN phụ trợ không chuẩn bị kịp để đáp ứng tiêu chuẩn sẽ gây khó cho DN xuất khẩu.

Ông Phương nói thêm Việt Nam đã có một mạng lưới khá đầy đủ các đơn vị tư vấn cũng như cung cấp các dịch vụ và các hệ thống tín chỉ, chứng chỉ… nhằm giúp DN đáp ứng với tiêu chuẩn của nhà mua hàng. Quan trọng là bản thân DN và chủ DN phải hiểu được quá trình này cũng như biết rõ mạng lưới các thành phần tham gia để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, các DN Việt Nam cần đến 30 tỉ USD để tiếp cận và chuyển đổi kinh tế xanh. Nhà nước đảm đương được 30% đầu tư cho kinh tế xanh, 70% còn lại sẽ do thành phần kinh tế tư nhân lo liệu. 

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho biết cộng đồng DN đã xác định phải đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Để làm được điều đó, DN cần giải pháp quan trọng đầu tiên là vốn. "Vì vậy, rất mong chính quyền có những chính sách huy động và tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về những nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, thời hạn hoàn trả dài hơn những đề án sản xuất - kinh doanh thông thường" - ông Hòa nêu kiến nghị.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết với lợi thế là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa, làm sao những sản phẩm được sản xuất ở TP HCM và cả vùng đạt chuẩn xanh để có thể thâm nhập các thị trường khó tính. 

Nhiều mô hình chưa đạt tiêu chí xanh

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhìn nhận theo thời gian, các mô hình kinh tế, mô hình kinh doanh lẫn công nghệ kinh doanh của DN TP HCM không còn phù hợp hoặc chưa đạt được một số tiêu chí xanh. Do vậy, cần phải chuyển đổi các mô hình kinh doanh, cập nhật công nghệ phù hợp. Trong chiến lược phát triển kinh tế xanh của thành phố, phải có hệ sinh thái về chính sách, nhận thức, tư duy và hạ tầng. Trong đó, 3 nội hàm của kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn tồn tại song song nhau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo