Các thực phẩm giàu đạm từ nguồn gốc thực vật với tên gọi "thịt thực vật" ngày càng được chế biến giống như thịt động vật nhờ công nghệ mới, nhiều khác biệt so với thực phẩm chay truyền thống.
Khởi nghiệp với thịt thực vật
"Thịt thay thế" là tên một dự án khởi nghiệp của Công ty TNHH TM-DV Biển Phương vừa lọt vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp - nông nghiệp phát triển bền vững lần 7-2021. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh - Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức cuối tháng 11-2021.
Ngày 5-12, có mặt tại gian hàng của của công ty này tại một hội chợ triển lãm đang diễn ra ở Nhà thi đấu Phú Thọ (TP HCM), phóng viên ghi nhận lượt khách ghé đến dùng thử và mua về dùng liên tục. Chị Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Biển Phương, cho biết doanh số bán lẻ tại hội chợ đạt mức 4 triệu đồng/ngày dù giá sản phẩm không cao. Tại đây, DN còn kết nối được hợp đồng sỉ đưa vào 2 hệ thống siêu thị.
"Đầu tư vào sản xuất thịt từ thực vật 2 năm, rơi ngay thời điểm dịch bệnh nhưng chúng tôi rất mừng khi thị trường đón nhận. Vì DN nhỏ nên chúng tôi bắt đầu với những sản phẩm phổ thông như chả lụa chay, chả cá chay, thịt nấm hầm chay... để khách hàng biết đến thương hiệu. Chúng tôi đang nghiên cứu thêm sản phẩm mới là thịt xay, nhân burger... nhắm đến đối tượng khách hàng muốn đa dạng hóa nguồn đạm sử dụng. Dù là đạm thực vật nhưng vẫn có độ ngon tương tự thịt truyền thống" - chị Thảo thông tin.
Trước đó, vào tháng 6-2021, dự án "thịt thực vật" của Công ty TNHH SX - KD Thực phẩm chay Cây Đề (VMEAT) tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỉ cũng đã được 2 nhà đầu tư đồng ý rót 4 tỉ đồng để đổi lấy 49% cổ phần. Trao đổi với phóng viên, anh Đoàn Lê Huy, đồng sáng lập VMEAT, cho hay "thịt thực vật" là tên gọi mới của ngành thực phẩm chay.
"Thịt thực vật ăn rất giống thịt thật (heo, bò) nhờ công nghệ mới từ các nước tiên tiến trên thế giới. Trong khi đó, thực phẩm chay truyền thống dù có tên gọi thịt, cá, tôm... nhưng hương vị và cấu trúc không giống thịt thật. Giá bán thịt thực vật cũng khá cao, ở mức gần 300.000 đồng/kg, tương đương thịt bò nhưng so với các dòng sản phẩm nhập khẩu tương tự trên thị trường thì vẫn thấp hơn nhiều" - anh Huy so sánh.
Gian hàng của doanh nghiệp khởi nghiệp “thịt thay thế” thu hút người tiêu dùng trưa 5-12
Còn nhiều trở ngại
Theo khảo sát của phóng viên, thịt thực vật nhập khẩu nổi tiếng trên thị trường có thương hiệu Beyond Meat (Mỹ, được đầu tư bởi tỉ phú công nghệ Bill Gates) với giá bán lẻ khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng/kg, với 3 dòng chính là thịt xay, xúc xích và burger. Tại các đợt khuyến mãi lớn, combo 3 sản phẩm này được một số hệ thống bán lẻ chào bán với số lượng hạn chế nhưng giá vẫn hơn 1 triệu đồng/kg. Các sản phẩm nhập khẩu từ một số thị trường châu Á có giá "mềm" hơn nhưng cũng ở mức tương đương với thịt bò hoặc thịt heo loại ngon.
Chủ một hệ thống bán lẻ thực phẩm cao cấp cho hay ưu điểm lớn của thịt thực vật là giúp người ăn chay không phải "hy sinh" khẩu vị (sự ngon miệng). "Có một bộ phận khách hàng từ bỏ thịt động vật trong thực đơn vì lý do sức khỏe, môi trường nên rất chuộng sản phẩm thịt thay thế dù giá cao. Với giới nhà giàu thì giá cả không quan trọng nên dòng sản phẩm này vẫn luôn trong danh sách bán chạy nhất" - chủ hệ thống này tiết lộ.
Trao đổi với phóng viên, một nhà nhập khẩu cho hay giá bán lẻ dòng sản phẩm này cao là do các yếu tố như: thuế nhập khẩu, công nghệ chế biến, nguyên liệu không biến đổi gien và hệ thống phân phối chi phí cao, ăn lời nhiều. Tuy vậy, sản phẩm nhập khẩu có thương hiệu mạnh nên vẫn bán chạy. Các nhà sản xuất trong nước phải cần thêm thời gian để chứng minh với nhóm khách hàng có tiền và khó tính này.
Người tiêu dùng chuộng sản phẩm tươi sống hơn
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, ăn uống thuần chay là xu hướng mới xuất phát từ các nước phương Tây và đang phát triển mạnh, trong khi thị trường Việt Nam mới manh nha gần đây.
"Vinamit có dòng thịt thực vật chế biến từ mít non, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nguyên liệu mít non có ưu điểm cho sản phẩm có cấu trúc dai như thịt bò và vùng trồng mít ở Việt Nam lớn. Ở thị trường trong nước, chúng tôi mới bắt đầu ở Hà Nội; thị trường TP HCM khó hơn do người tiêu dùng có thể tự mua mít về chế biến được.
Một trở ngại với ngành chế biến thịt thực vật ở Việt Nam là người tiêu dùng có thói quen sử dụng sản phẩm tươi sống. Người dân từ bỏ thịt động vật có thể chuyển đổi sang dùng trực tiếp rau quả, nấm, rong biển... mà không phải phụ thuộc vào sản phẩm chế biến" - ông Viên nhận định.
Bình luận (0)