Dân gian từ ngàn xưa đã có câu: "Quan chi phụ mẫu" (quan như cha mẹ), để chỉ vị trí, vai trò, chức năng của đội ngũ quan viên với dân, với nước. Họ là những người đại diện nhà nước thực hiện trách nhiệm "chăm dân". Như lời vua Lê Thánh Tông từng ví von về giới quan liêu trong "Văn tế thập loại chúng sinh":
Vào thì làm rường làm cột, khỏe chống miếu đường,
Ra thì nên ải nên thành, bền che phiên trấn.
Vinh hoa rợp thế,
Công nghiệp hơn người.
Ý của vị hoàng đế nhà Lê muốn nói tới vai trò của đội ngũ quan lại, cùng những đóng góp của họ đối với triều đình. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, với quyền hạn có trong tay, lại nhiều cám dỗ vật chất có thể làm cho đội ngũ quan lại vì lòng tham mà đánh mất mình. Chính vì thế, để họ chuyên tâm làm đúng phận sự được giao, không tơ hào của công, của tư mà phản bội niềm tin của vua, thời Hậu Lê (1428-1789) đã thực hiện chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ quan viên cả về quyền lợi vật chất và tinh thần. Mục đích trọng tâm là ổn định đời sống của quan lại cùng gia quyến, khiến họ không bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền mà xao lãng nhiệm vụ, đi lầm vào con đường tham ô, ăn hối lộ. Ngoài những đãi ngộ về chức vụ, quyền hành, ruộng đất..., nhà nước còn thực hiện chế độ lương bổng cho đội ngũ quan lại các cấp nhằm khuyến khích họ tận trung với vua, để không bị túng thiếu mà ăn hối lộ. Bên cạnh đó, nhà nước còn ban cấp những loại tiền với ý nghĩa đặc biệt.
Thời Hậu Lê có một loại tiền đặc biệt không phải quan viên nào cũng được vinh dự được hưởng. Đó là tiền dưỡng liêm. Từ thời nhà Lý, đời vua Lý Thánh Tông năm Đinh Mùi (1067), để nuôi dưỡng lòng liêm của quan lại làm việc trong lĩnh vực tư pháp, "Lịch triều hiến chương loại chí" cho hay rằng vua đã: "cấp bổng lộc cho các quan Đô hộ phủ sĩ sư (quan coi việc hình pháp - người dẫn chú) mỗi người mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá muối mọi thức; cho ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa, để nuôi đức liêm". Biện pháp này có mục đích là nêu và khuyến khích gương sáng thanh liêm cho quan lại khác noi theo. Thời Lê sơ hẳn noi theo cách làm của đời trước.
Xét trong điển chế, luật pháp nhà Lê cùng những văn bản liên quan, loại tiền dưỡng liêm thời Lê sơ không thấy có quy định cụ thể. Nhưng sự hiện diện của loại tiền này chắc chắn là có. Như trường hợp thời vua Lê Chiêu Tông có Hữu thị lang bộ Lại Ngô Tuấn Kiệt sống thanh liêm, nếp nhà thanh bạch. Vua đã ban cho ông tiền, gạo dưỡng liêm. Ngô Tuấn Kiệt chỉ lấy đủ dùng, còn thừa dâng nộp lại kho công. Đây là loại tiền cấp không thường xuyên và chủ yếu dùng cho quan lại liêm chính. Theo GS Đào Duy Anh trong nghiên cứu "Việt Nam văn hóa sử cương" thì "tiền dưỡng liêm cấp cho các quan địa phương những khi họ túng thiếu để họ khỏi nhũng lạm của dân".
Ngoài tiền dưỡng liêm, nhà nước còn ban thưởng tiền Tết cho đội ngũ quan viên. Trong "Lê triều hội điển" có mục ghi rõ "Lệ công việc ngày Tết nguyên đán" trong đó quy định chi tiết tiền ban cho tướng, quân lính nhân dịp Tết thời Lê trung hưng (1533-1789).
Theo quy định này, tiền Tết sẽ được Binh phiên (một trong lục phiên, thuộc phủ Liêu của chúa Trịnh, tương đương với lục bộ của vua Lê) chuẩn bị sẵn từ trung tuần tháng chạp năm trước. Ngày giờ phát tiền cũng được quy định chặt chẽ chứ không tùy tiện mà phát bừa. Để biết được giờ tốt hoàng đạo mà ban tiền Tết, Ty thiên giám sẽ có trách nhiệm chọn giờ và chọn cả phương hướng tốt rồi khải lên chúa xem, chuẩn y.
Ngày ban tiền là ngày 30. Sách chép: "Đến ngày 30 đặt hiệu Thiên Hùng, đồng thời phát thuốc súng. Đến giờ, đợi có lệnh mới được truyền bắn pháo lệnh và làm lễ ở điện Kính Thiên". Tổ chức, cá nhân được tham dự là quan binh các đội thuyền Nhưng nhất, Kiệu nhất, Nội nhưng, Nội khuông... Về trang phục trong lễ này được cho hay là tất thảy đều dùng áo mũ bằng gai. Sau khi lễ được tiến hành xong xuôi đâu ra đó thì đến lúc Binh phiên đếm số quan viên theo hầu lễ mà ban tiền theo thứ bậc từ cao xuống thấp có phân biệt khác nhau về số tiền được ban. Cụ thể là:
Nhất phẩm được 5 quan tiền quý. Nhị phẩm được 4 quan. Tam phẩm được 3 quan… Vệ sĩ ty Thiên giám và binh hiệu Thị nội được 1 mạch tiền quý. Ở đây ta thấy một điều đáng lưu ý là việc ban tiền Tết lại không phải do vua Lê đích thân tiến hành mà thuộc về phủ Liêu của chúa Trịnh. Điều này có thể hiểu ở chính sách lưỡng đầu chế thời Lê trung hưng, trong đó chúa Trịnh nắm quyền hành thực tế, còn vua Lê chỉ ngôi ngai vàng làm vì, thậm chí chúa còn quy định mức chi tiêu cụ thể cho hoàng tộc nhà vua.
Lệ ban tiền Tết thời vua Lê, chúa Trịnh là thế. Nhưng không phải đến thời Lê trung hưng lệ ban tiền Tết cho quan viên mới thi hành. Ngay ở thời Lê sơ (1428-1533), vua Lê đã thực hiện việc này rồi. Chứng cứ ghi chép không nhiều nhưng qua "Đại Việt sử ký toàn thư", ta bắt gặp một chi tiết quý giá. Đó là thời vua Lê Thái Tông, việc này đã được ghi nhận. Sử có chép vào ngày 27 tháng 12 (tháng chạp) năm Ất Mão (1435), vua đã: "Ban tiền Tết cho các quan văn võ theo thứ bậc khác nhau". Điều đó chứng tỏ nhà nước rất quan tâm tới đời sống của quan lại nhân dịp lễ Tết, hội hè.
Tiền Tết như là một loại tiền dưỡng liêm không chính thức, ngăn ngừa tệ hối lộ, tham ô thông qua việc biếu xén trá hình ngày Tết. Tiền Tết giúp cho quan lại và gia đình sắm sửa "Tết cả" của dân tộc được đủ đầy, sung túc hơn, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sát của triều đình đối với công lao phục vụ đất nước của họ trong suốt một năm. Số tiền ban cấp cho quan lại không được ghi rõ là bao nhiêu nhưng qua ghi chép ở trên, rõ ràng lượng tiền Tết ban xuống có sự khác nhau tùy theo thứ bậc, phẩm trật của quan lại và không phải là nhiều, chủ yếu là động viên tinh thần vậy.
Ngày nay, khi Xuân về gõ cửa, chẳng phải cán bộ, công chức cũng trông mong có tiền thưởng để sắm sửa Tết nhất đó sao!
Bình luận (0)