Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định số 1050/QĐ-NHNN quy định về việc cho vay thí điểm đối với các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Trần lãi suất ngắn hạn 7%/năm
Theo đó, các đối tượng: doanh nghiệp (DN) ký kết hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, các DN được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các hộ nông dân, hợp tác xã đại diện cho nông dân thực hiện ký kết hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các DN sẽ được NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vay vốn gắn với các dự án liên kết cụ thể.
Trần lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn lần lượt được quy định là 7%/năm, 10%/năm và 10,5%/năm, thời gian thực hiện thí điểm cho vay là 2 năm kể từ ngày 28-5. Đối với những dự án được chấp thuận cho vay thí điểm nhưng có thời hạn vay vượt quá thời gian thí điểm, vẫn được tiếp tục thực hiện các nội dung đã ký kết với ngân hàng thương mại (NHTM) cho đến khi thanh lý hợp đồng tín dụng.
Các NHTM cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các chi phí về sản xuất nông nghiệp gồm giống, phân bón, vật tư nông nghiệp... Cho vay trung, dài hạn để đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ cho các mô hình sản xuất.
Vốn đã đến doanh nghiệp
Ngay sau khi quyết định của NHNN được ban hành, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) đã ký hợp đồng tín dụng với 4 DN trên địa bàn tỉnh An Giang, với tổng giá trị các khoản vay lên tới 350 tỉ đồng. Đây là những hợp đồng đầu tiên trong chương trình cho vay thí điểm các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu nông nghiệp.
Đại diện NHNN cho biết, Quyết định 1050 là chính sách tín dụng mới tạo nguồn cung vốn cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển cân đối, bền vững trong dài hạn, tránh lệ thuộc vào môi trường kinh tế bên ngoài trong thế giới toàn cầu hóa với nhiều rủi ro khó lường. Trước đó, tại hội thảo bàn về các “Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao” diễn ra mới đây, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) đã chỉ rõ nguyên nhân khiến khu vực nông nghiệp, nông thôn khó tiếp cận vốn ngân hàng chính là vấn đề tài sản thế chấp.
“Chương trình thí điểm sẽ tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp. Với chương trình này, ngành ngân hàng không những giải quyết vấn đề vốn đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, mà còn hướng sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết hiệu quả, có tính cạnh tranh cao” - ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết.
Dự kiến, sẽ có khoảng 20 mô hình liên kết giữa DN với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao... trên phạm vi toàn quốc được lựa chọn để thí điểm chương trình tín dụng nói trên.
Nhiều nguồn vốn rót vào sản xuất
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) từ nay đến 30-9 triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt “Kết nối SeABank và các DN xuất nhập khẩu” với gói tín dụng trị giá 300 tỉ đồng và 20 triệu USD, lãi suất tối thiểu 6,5%/năm với VNĐ và 4%/năm với USD. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam công bố chương trình tín dụng 3.000 tỉ đồng cho vay phát triển đội tàu khai thác hải sản xa bờ với lãi suất trung dài hạn đề xuất là 2%/năm, ân hạn trong 1 năm đầu tiên khi đóng mới với lãi suất 0%/năm (tính từ ngày giải ngân đầu tiên), lãi suất cho vay ngắn hạn là 5%/năm.
Bình luận (0)