Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 8 tháng của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước tính đạt 26,5 tỉ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 2,5%.
Tăng trưởng nhờ EVFTA
Đáng chú ý, trong tháng đầu tiên Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường quan trọng này đạt 3,78 tỉ USD. Trong đó, điện thoại và linh kiện là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang EU với hơn 1 tỉ USD, qua đó nâng kim ngạch 8 tháng của năm 2020 lên 6,96 tỉ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, so với bình quân 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang EU trong tháng 8 cao hơn khoảng 600 triệu USD. Đây là kết quả có được nhờ những tác động tích cực từ EVFTA. Hiệp định có hiệu lực đã tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, được cắt giảm thuế cao như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử...
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T, cho biết nhờ EVFTA, cụ thể là thuế suất 0%, mà rau quả Việt Nam sang EU có nhiều lợi thế so với các đối thủ như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia... "Chúng tôi nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu từ EU, nhờ đó tìm được nhiều khách hàng mới. Mới đây nhất, doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu lô dừa, thanh long và bưởi đầu tiên được hưởng ưu đãi thuế của EU. Để chuẩn bị cho EVFTA, chúng tôi đã xây dựng vùng trồng 300 ha gồm: thanh long, nhãn, xoài, bưởi, chôm chôm đạt chứng nhận GlobalGAP. Ngoài trái cây, DN còn có kế hoạch xuất khẩu các loại rau thơm, ớt, cà pháo, chanh... sang EU do nhu cầu thị trường khá lớn. DN đặt mục tiêu năm nay xuất khẩu sang EU đạt hơn 7,7 triệu USD, tăng 20% so với năm 2019" - ông Tùng chia sẻ.
Tổng giám đốc DN này cho biết rau quả xuất khẩu sang EU không phải kiểm tra trước tại Việt Nam như các thị trường khác mà hàng đến nơi mới kiểm tra. Nếu hàng không đạt sẽ bị hủy, phạt tiền, cấm xuất khẩu không chỉ của DN đó mà có thể cấm luôn mặt hàng đó từ Việt Nam. Do vậy, DN xuất khẩu hàng sang EU phải chủ động kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa để phòng rủi ro.
Với mặt hàng gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết 8 tháng năm 2020 xuất khẩu gạo sang EU đạt hơn 15.800 tấn, giá trị xấp xỉ 8,5 triệu USD. Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có 6 DN nộp đơn xin chứng nhận gạo thơm xuất khẩu EU hưởng hạn ngạch miễn thuế với khối lượng 4.300 tấn. Bộ dự báo xuất khẩu gạo, trong đó có gạo thơm, sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng cho dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19. Trước mắt, cuối tháng 9 này, 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg của Tập đoàn Lộc Trời sẽ được xuất khẩu sang EU theo hạn ngạch miễn thuế.
Trong lĩnh vực thủy sản, ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), cho hay xuất khẩu cá tra trong tháng 8 và 9 đã có dấu hiệu hồi phục khá rõ. "Trước khi có dịch Covid-19, trung bình mỗi tháng, công ty chúng tôi xuất khẩu 4.000 tấn cá tra. Giai đoạn ảnh hưởng dịch nặng nề nhất, xuất khẩu giảm còn chưa tới 2.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, tới tháng 8 vừa rồi, xuất khẩu đã tăng lên 2.500 tấn và dự kiến tháng 9 sẽ xuất được nhiều hơn" - ông Văn thông tin.
Vị phó tổng giám đốc cũng dự đoán trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu sang 2 thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc đều tăng. Xuất khẩu mặt hàng này cả năm có thể đạt 1,4-1,5 tỉ USD.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận ngành xuất khẩu thủy sản đã vượt qua đại dịch và đang hướng tới phục hồi nhanh để phấn đấu cho mục tiêu kim ngạch cả năm khoảng 8,6 tỉ USD. Các hiệp định thương mại tự do đang tham gia mang lại lợi thế về thuế xuất nhập khẩu, cơ hội để DN nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8-2020 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang EU.
Đóng gói dừa tươi để xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: AN NA
Có đơn hàng tới hết năm
Không nằm ngoài khó khăn của nhóm ngành vật liệu xây dựng trong đại dịch Covid-19, sản xuất và xuất khẩu thép cả nước đang trong tình trạng ảm đạm. Tuy vậy, vẫn có DN duy trì được sản xuất và ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng đáng kể so với trước. Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên vừa ký một số hợp đồng xuất khẩu thép cuộn chất lượng cao mác SAE sang thị trường châu Phi, đánh dấu thành công trong việc mở thêm thị trường xuất khẩu mới. Thông qua các công ty thương mại đa quốc gia có trụ sở tại Thụy Sĩ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thép Hòa Phát bắt đầu xuất sản phẩm sang lục địa đen đầy tiềm năng. Dự kiến trong tháng 9 và 10, các lô hàng đầu tiên sẽ được vận chuyển tới Kenya và Ghana với tổng khối lượng gần 30.000 tấn. Trong đó, thị trường Kenya là hơn 17.000 tấn, còn lại là sang Ghana.
Lượng thép xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát trong 8 tháng qua đã vượt 17% so với cả năm 2019 với trên 310.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với 8 tháng năm 2019. Các thị trường chính gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Úc, Canada, Thái Lan, Campuchia, Lào.
Với sản phẩm ống thép, lũy kế 7 tháng, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát tiêu thụ tổng sản lượng tại thị trường trong và ngoài nước đạt 422.300 tấn, trong đó lượng xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản phẩm tôn cũng đạt kết quả khả quan với đơn hàng trên 10.000 tấn vào thị trường Thái Lan.
Với ngành gỗ, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long (tỉnh Bình Dương), cho biết DN đã có đủ hợp đồng để sản xuất, chế biến gỗ cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm. Giá trị hợp đồng xuất khẩu trị giá khoảng 4 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Thanh còn cho biết do nguồn hàng xuất khẩu tăng nên DN đang thiếu hụt lực lượng lao động khoảng 20%. Do đó, công ty đang tập trung tổ chức tuyển lao động để đáp ứng tiến độ giao hàng. Tuy nhiên, việc tuyển dụng vào thời điểm này đang gặp nhiều khó khăn. Các DN chế biến gỗ khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.
Theo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, trên địa bàn có hơn 300 DN gỗ, hầu hết đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại. Nhiều DN đã ký được hợp đồng với số lượng hàng đủ xuất khẩu cho đến hết năm. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết ngành gỗ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên xuất khẩu đến tháng 8 vừa qua vẫn tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu 8 tháng năm 2020 đạt 7,7 tỉ USD, dự kiến cả năm sẽ đạt 12 tỉ USD (năm ngoái xuất khẩu được 11,2 tỉ USD).
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, dự báo khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn, khả năng nhà nhập khẩu các nơi sẽ đổ về Việt Nam mua hàng. "Việt Nam đang giành được nhiều tình cảm của nhà đầu tư và nhà mua hàng thế giới. Thị trường châu Âu đang quan tâm đến Việt Nam và kết nối để mua hàng, mua nguyên vật liệu nhiều hơn. Vì vậy, tình huống lạc quan là đơn hàng xuất khẩu sẽ bùng nổ trong tương lai. Hiện một số DN lớn, tài chính tốt đang đẩy mạnh mua bán sáp nhập (M&A) để mở rộng quy mô, củng cố nội lực... sẵn sàng cho cơ hội bứt phá trong thời gian tới" - ông Lâm Viên thông tin.
Bản thân Vinamit cũng đã có đơn hàng xuất khẩu mít tươi ngâm muối (dùng để chế biến thay thịt trong món ăn) sang 2 thị trường mới là Hà Lan và Tây Ban Nha. Với 2 thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc, việc xuất khẩu đã bình thường trở lại nhưng theo ông Lâm Viên, công ty đang xuất khẩu theo kế hoạch có sẵn chứ không có đơn hàng tăng thêm. "Xuất khẩu dù đang hồi phục nhưng phải chờ đến khi nào giao thông lẫn giao thương giữa các nước trở lại bình thường mới thật sự khởi sắc" - ông Lâm Viên cho biết.
Lần đầu tiên xuất khẩu tro, xỉ
Bên cạnh thép thành phẩm, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã ký hợp đồng bán 1,5 triệu tấn phôi thép cho thị trường trong và ngoài nước, giao hàng tới tháng 11. Hòa Phát cũng là DN đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu 2.500 tấn xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 sang Úc - thị trường có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Sản phẩm này được ứng dụng làm phụ gia khoáng hoạt tính cao cho sản xuất xi-măng, bê-tông, vữa hoặc làm chất kết dính gia cố nền đất yếu. "Với 2 khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn - Hải Dương và Dung Quất - Quảng Ngãi, DN có thể cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 2,6 triệu tấn xỉ hạt lò cao nghiền mịn mỗi năm" - đại diện DN này cho hay.
Bình luận (0)