Sáng 19-6, Tổ công tác của Thủ tướng do Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã làm việc với Tập Công nghiệp đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Tồn kho 9,3 triệu tấn than
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay 6 tháng đầu năm, doanh thu của TKV đạt khá, cao hơn kế hoạch với 53.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 6.300 tỉ đồng và lãi 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn đang gặp khó khăn khi tồn đọng hơn 9 triệu tấn than. Trước đó, cuối năm 2016, ngành than tồn đọng 12 triệu tấn. "Đây là vấn đề trở ngại cho tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của TKV. Chính phủ quan tâm đến cơ chế chính sách, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh. Ví dụ: Than cám 4b nhập khẩu khoảng 1,4-1,6 triệu đồng/tấn nhưng giá than của mình cao hơn khoảng 500.000 đồng; than 3b nhập vào 1,7 triệu đồng/tấn và giá than của ta vẫn cao hơn… Nếu không xử lý tốt thì sẽ ảnh hưởng" - Bộ trưởng nhắc nhở và giao TKV đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn trong công tác tiêu thụ 9 triệu tấn than tồn đọng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng TKV cần làm rõ hơn vấn đề than tồn kho Ảnh: NHẬT BẮC
Báo cáo trước tổ công tác, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho hay dù năng suất lao động đã tăng từ 216 tấn/người/năm lên 1.350 tấn/người/năm nhưng giá thành sản xuất than vẫn tăng do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn, cùng đó là suất đầu tư, chính sách thuế, phí, tiền lương… đã lên đến gần 10.000 tỉ đồng.
"Trong bối cảnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại đề nghị giảm mua than từ TKV với khối lượng lên đến 2 triệu tấn so với kế hoạch. Nếu tính toán theo năng suất lao động bình quân của TKV năm 2016 thì khoảng 4.000 người lao động sẽ mất việc làm, tương đương một mỏ than hầm lò bị đóng cửa" - ông Hải lo lắng. Lãnh đạo TKV đề nghị Chính phủ chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV, đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than sản xuất trong nước, gắn với các chính sách thuế, phí giúp TKV tiêu thụ than tồn cũng như cho phép TKV xuất khẩu than không phụ thuộc vào hạn ngạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng với vấn đề tồn kho than, TKV cần phải làm rõ hơn và có đánh giá chính xác. Trong đó có việc cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện của EVN giảm 2 triệu tấn nên tồn kho tăng thêm 2 triệu tấn này. Cùng đó, Chính phủ giao TKV khai thác thêm 2 triệu tấn than để góp vào tăng trưởng GDP năm 2017. Hơn nữa, cần làm rõ thêm con số tồn kho khi khai thác than ra không phải bán ngay mà phải qua quá trình từ mỏ qua nhiều công đoạn mới bán được, ít ra phải lưu giữ 5 triệu tấn trong quá trình đưa đi tiêu thụ… Thứ trưởng cũng đề nghị TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh theo hướng thị trường, trong đó, ngoài vấn đề giá thì còn vấn đề lao động, công ăn việc làm, ổn định về chính trị, kinh tế - xã hội…
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Nêu nhiệm vụ với TKV, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị đối với các dự án TKV dừng hoạt động, có phương án xử lý để không thất thoát vốn đầu tư, bảo đảm hoạt động. "TKV đầu tư dự án nhiều, có thời điểm tổng hợp 448 dự án, tổng mức đầu tư 198.000 tỉ đồng. Nhiều dự án hoàn thành nhưng dự án nào chưa hoàn thành thì Thủ tướng yêu cầu phải đốc thúc tiến độ đầu tư, nếu không đầu tư được mà kém hiệu quả thì rà soát, khắc phục" - Bộ trưởng nói và đề nghị TKV thực hiện nghiêm nhiệm vụ tái cơ cấu tập đoàn, đặc biệt là thoái vốn ngoài ngành. "Tái cơ cấu là quan tâm phương án sản xuất kinh doanh tài chính, đầu tư dòng tiền. Tôi thấy cách hạch toán tập đoàn có vẻ như chưa tạo điều kiện cho công ty, nếu theo hình thức bao cấp, giao chỉ tiêu thì chắc là không ổn" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ.
Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn giãi bày ngành than có cơ chế hạch toán nội bộ là để tập trung tài chính nguồn lực về tập đoàn để tập đoàn đầu tư phát triển dự án trọng điểm. Cơ chế này đã thay đổi nhiều lần, tách bạch giữa công ty mẹ và các thành viên, không có gì tạo thành sân sau.
Về hiệu quả của các dự án đầu tư, theo lãnh đạo TKV, không riêng ngành than mà ngành khác cũng bị ảnh hưởng là do thị trường "đìu hiu". "Chúng tôi khẳng định ngành than không có dự án đầu tư ngoài ngành. Chúng tôi đã thoái vốn toàn bộ dự án mà trước đây được làm. Điển hình là thu hồi vốn 2.200 tỉ đồng, trong đó chúng tôi bỏ ra 1.900 tỉ đồng" - ông Chuẩn khẳng định.
Bauxite Tân Rai đã lãi 50 tỉ đồng
Ông Đặng Thanh Hải cho biết 6 tháng đầu năm 2017, sản xuất alumin quy đổi là 579.069 tấn, đạt 51,9% kế hoạch năm và bằng 200% so cùng kỳ năm 2016. Năm 2017, dự án alumin Nhân Cơ đi vào hoạt động. "Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng (dự án Tân Rai) sau hơn 3 năm đầu hoạt động còn lỗ thì 6 tháng đầu năm nay đã có lãi 50 tỉ đồng" - ông Hải thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm theo kế hoạch, dự án Tân Rai được lỗ 5 năm đầu nhưng với việc có lãi ngay từ năm thứ 4 là thành công của dự án. "Ba năm qua, mỗi năm lỗ hơn 1.000 tỉ đồng là có thật nhưng điều này nằm trong tính toán. Nay chưa nói đến có lãi mà với việc hết lỗ thì đến cuối năm sẽ giúp toàn tập đoàn tăng phần lợi nhuận lên cả ngàn tỉ đồng" - ông Hải nói.
Bình luận (0)