Tích cực thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong năm 2017, một TP trẻ năng động như TP HCM sẽ phải làm gì, xây dựng sản phẩm mới như thế nào để bảo đảm mỗi quý tăng hơn 24% lượng khách?
Trong rất nhiều lần trao đổi với các doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong luôn trăn trở về việc làm sao để tăng mức chi tiêu của du khách khi đến TP; ngành du lịch - sản xuất - thương mại tạo ra sản phẩm gì thật sự hấp dẫn du khách, khiến họ phải mua làm quà khi về nước? Ông Phong từng nhấn mạnh: “Tăng trưởng du lịch tác động kép đến tăng trưởng kinh tế. Một du khách đến TP không chỉ giúp tăng trưởng doanh thu cho công ty cung cấp dịch vụ du lịch mà còn kéo theo việc tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa, tăng cầu cho cả TP”.
Góp ý về việc tăng chi tiêu cho du khách, bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy, cho biết những du khách quay lại Việt Nam nhiều lần mà bà gặp đều chung nhận định họ trở lại để thưởng thức ẩm thực Việt vừa ngon vừa rẻ. Hiện TP có 50 cơ sở dịch vụ mua sắm đạt chuẩn; 120 nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Vậy sao chúng ta không biến Việt Nam, đặc biệt là TP HCM, thành một “nhà bếp quốc tế” để kéo nhiều du khách đến tiêu xài, thưởng thức ẩm thực?
Có một thực tế là dù đứng đầu cả nước về lượng khách tham quan nhưng du lịch TP HCM không đủ sản phẩm hấp dẫn để giữ khách quốc tế lưu trú đến ngày thứ ba. Thêm vào đó, theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP, do các sự kiện lớn tổ chức những năm trước chưa xác định cụ thể thời gian, không gian cũng như truyền thông chưa sâu rộng nên chưa thông tin kịp đến du khách. Ý thức được điều này, dưới sự chỉ đạo của UBND TP, ngành du lịch TP đã có nhiều buổi khảo sát, làm việc tại các quận, huyện để xây dựng sản phẩm đặc thù cho TP như du lịch đường thủy; du lịch gắn với nông nghiệp tại Cần Giờ, Củ Chi; phát triển các sản phẩm du lịch mới như phố đông y, phố đi bộ, con đường âm nhạc…
Bên cạnh những giải pháp kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, Sở Du lịch TP còn chú trọng những giải pháp gia công, nâng chất các sản phẩm hiện có. Theo đó, từ năm 2017, Sở Du lịch TP sẽ tổ chức đều đặn 1-2 sự kiện mỗi tháng như một giải pháp bổ sung sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi đến TP, gồm: Đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội áo dài, Ngày hội Du lịch TP HCM, Lễ hội Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, lễ hội ánh sáng, liên hoan lân sư rồng, liên hoan món ngon các nước, Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM… Các sự kiện này sẽ chuẩn bị trước nội dung và kế hoạch truyền thông nhằm đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến đến du khách trong và ngoài nước.
Ông Võ Anh Tài - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành TP, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) - nhìn nhận: “Tuy không phải là TP của di sản, của những thắng cảnh thiên nhiên xinh đẹp như các địa phương khác nhưng TP HCM cũng sở hữu những nét độc đáo, là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa ẩm thực đặc sắc; trung tâm mua sắm với rất nhiều hàng hóa phong phú; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ hàng đầu của cả nước… Ngoài ra, TP cũng hội đủ các điều kiện về lưu trú, ẩm thực, khu vui chơi, mua sắm, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ hội nghị, hội thảo. Hiện TP có khoảng 2.113 cơ sở lưu trú được thẩm định và xếp hạng với khoảng 49.714 phòng, công suất các phòng khách sạn 3-5 sao bình quân đạt 70%, công suất của các phòng khách sạn 1-2 sao bình quân đạt 63%.
Với lợi thế, nền tảng như vậy, TP nên tập trung phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị) - sản phẩm có mức chi tiêu cao, thời gian lưu trú cũng kéo dài tùy thuộc thời gian diễn ra sự kiện, hội nghị, hội thảo. Phát triển của du lịch MICE còn kéo theo sự phát triển của ngành nghề kinh tế khác như: thương mại, nông nghiệp, đầu tư… Đặc biệt, những sự kiện MICE còn tạo cú hích cho thương hiệu du lịch; chẳng hạn chuyến thăm của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mang lại nhiều dấu ấn cho Việt Nam đối với bạn bè thế giới. Cần xây dựng các tour du lịch golf, du lịch đường sông; xây dựng resort sông, resort vườn và tiến tới là khu resort biển Cần Giờ. Tất cả sản phẩm du lịch đều phải được nâng chất và hướng đến chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh những sự kiện tự tổ chức, nên thu hút những sự kiện quốc tế tổ chức tại TP HCM và được lên lịch sẵn để các công ty du lịch đưa vào chương trình tour, quảng bá và thu hút du khách.
Ý KIẾN
Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM:
Sẽ có một góc thành phố không ngủ
Việc kéo rộng khung giờ tổ chức các hoạt động, dịch vụ du lịch phục vụ cho du khách là cần thiết. Sắp tới, chúng tôi sẽ chọn một số không gian để tổ chức các hoạt động sau 0 giờ, nhất là các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống về đêm ở khách sạn 4-5 sao biệt lập, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân nhưng vẫn gia tăng nguồn thu từ du khách. Bên cạnh đó, TP đã có chủ trương để quận 1 tổ chức thí điểm phố đi bộ Bùi Viện và kéo dài không gian hoạt động về đêm. Nói về hoạt động sau 0 giờ thì các nước trên thế giới cũng chú ý đến nhu cầu ăn uống và vui chơi, giải trí là chính. Đó không thể là khung giờ của hoạt động thể dục thể thao, hoạt động nghệ thuật mà phải có những loại hình vui chơi, giải trí lành mạnh, đem lại sự hài lòng nhiều hơn cho du khách.
Ông VÕ ANH TÀI - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành TP HCM, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist:
Sản phẩm “Sài Gòn - Quen mà lạ”
Với những đối tượng khách khác nhau, chúng ta phải có những sản phẩm đáp ứng khác nhau. Đối với sản phẩm du lịch thuần túy, hiện Saigontourist đã chủ động đưa ra sản phẩm “Sài Gòn - Quen mà lạ” để gắn kết các sản phẩm công nghệ cao tại Củ Chi, Cần Giờ… Không chỉ nhắm đến khách du lịch quốc tế mà ngay cả hơn 10 triệu dân của TP vẫn chưa biết nhiều về sản phẩm của du lịch TP HCM. Người dân không chỉ là những du khách rất tiềm năng mà còn có thể trở thành đại sứ, góp phần quảng bá du lịch TP trong điều kiện hạn chế về tài chính đối với hoạt động quảng bá xúc tiến hiện nay.
Hơn nữa, tính độc đáo, đặc thù của sản phẩm sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm đó. Khi nói về sản phẩm du lịch, nên hiểu ở một khái niệm rộng hơn, không phải là một sản phẩm cụ thể mà là không gian văn hóa, cách ứng xử, sự an tâm, an toàn mà chúng ta hay nhắc đến: Sạch, đẹp, an toàn, hấp dẫn, thân thiện.
Bà DƯƠNG THANH THỦY, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy:
Tái hiện 300 năm Sài Gòn - TP HCM
Với mục tiêu tái hiện quá trình phát triển và hình thành 300 năm của Sài Gòn - TP HCM, chúng tôi đưa ra một mô hình mới “Nhà bè trên sông” - Góc Sài Gòn. Đây là sự kết hợp giữa Tập đoàn Trung Thủy và Saigontourist. Khi nghe Sài Gòn - TP HCM 300 năm, du khách cũng muốn hiểu về quá trình phát triển này. Vì thế, chúng tôi tái hiện bề dày lịch sử này ở không gian nhà bè trên sông. Du khách sẽ được một em bé đánh giày kể chuyện về TP 300 năm, được thưởng thức ẩm thực và tìm hiểu mọi thông tin du lịch, mua sắm quà lưu niệm, chụp ảnh… trên nhà bè.
Khi sản phẩm này hình thành, kỳ vọng của chúng tôi rất đơn giản: Một du khách xuống nhà bè trên sông để mua một sản phẩm dành tặng người quen hoặc uống ly cà phê đá với mức chi tiêu tối thiểu là 10 USD/người (khoảng 200.000 đồng) thì với lượng khách ước tính đạt 4.000 người, chúng tôi sẽ thu được 40.000 USD. Chúng ta đừng kỳ vọng du khách phải tiêu xài 5.000 USD, 10.000 USD hay 20.000 USD, mà hãy bắt đầu từ những con số nhỏ nhất mình có thể làm ra từ chính những sản phẩm trong nước để có thể tăng tiêu dùng cho du khách. Nhiệm vụ của chúng tôi là cố gắng giúp du khách tiêu xài nhiều nhất. Nguồn thu này sẽ tái đầu tư để tiếp tục xây dựng sản phẩm khác.
X.Hòa ghi
Bình luận (0)