Trung tâm du lịch lớn nhất cả nước - TP HCM, vừa chính thức được Chính phủ đồng ý chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế trở lại, cùng với 6 địa phương khác là Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Phú Quốc. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ đây là thông tin tích cực đối với ngành du lịch TP HCM. Họ sẽ xúc tiến ngay để có thể sớm đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên.
Tín hiệu kích hoạt lại thị trường
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ, ban, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố về đối tượng tham gia Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý giao các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố gồm TP HCM, Đà Nẵng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bình Định căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tiếp tục chủ động, triển khai thực hiện thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Sau hơn 1 tháng kiến nghị, TP HCM là địa phương tiếp theo cùng với Bình Định được thí điểm đón khách quốc tế, sau khi Kiên Giang, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh đã được đồng ý và triển khai trước đó.
Một hoạt động xúc tiến du lịch TP HCM trong khuôn khổ chương trình tham quan tìm hiểu văn hóa dành cho các viên chức ngoại giao văn hóa, báo chí và phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức tháng 12-2021. Ảnh: BÌNH AN
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận định việc TP HCM được chính thức thí điểm đón khách quốc tế là tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Bởi lúc này, nhiều đường bay thường lệ quốc tế cũng đã được mở lại.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, cũng cho rằng việc TP HCM được thí điểm đón khách quốc tế trở lại sau gần 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19 là tín hiệu đáng mừng. Ngay lập tức, công ty của ông sẽ thông báo cho đối tác quốc tế để đưa vào chương trình, kế hoạch khai thác tour, chào bán sản phẩm cho du khách. Do công ty ông chuyên đón khách tàu biển quốc tế, nên ngoài các đối tác về tour, cũng cần được sự chấp thuận của phía cảng biển để tàu biển có thể cập cảng TP HCM.
"Là DN có khai thác phân khúc khách quốc tế, chúng tôi đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng từ đầu năm 2021 để đón khách trở lại TP HCM, chứ không phải bây giờ. Nếu khách bay thương mại, DN có thể đáp ứng ngay" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, nói.
Sớm quảng bá để không bỏ lỡ cơ hội
Tại tọa đàm "Quản trị rủi ro du lịch - Chiến lược phục hồi trong giai đoạn mới" do Sở Du lịch TP HCM và Trường ĐH Hoa Sen tổ chức ngày 5-1, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐTV Vietravel Holdings, nhận định việc mở cửa nền kinh tế, trong đó có mở cửa về giao thông, vận tải, nhất là hàng không, du lịch là cần thiết. Việc mở cửa hàng không quốc tế được đánh giá là chậm nên rất cần đẩy nhanh hơn nữa để đóng góp vào việc khôi phục nền kinh tế. Dự báo của các tổ chức hàng không quốc tế cho thấy có tới 70%-80% du khách được hỏi, trả lời rằng sẽ du lịch bằng đường hàng không, nên việc chậm mở cửa hàng không sẽ kìm hãm ngành công nghiệp không khói sớm hồi phục.
Từ giữa tháng 11-2021, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về đón khách quốc tế đến thành phố. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho hay qua rà soát tất cả điều kiện, với hệ thống nền tảng y tế, kinh nghiệm ứng phó của các DN, nhận thức của cộng đồng và đặc biệt tỉ lệ tiêm vắc-xin rất cao..., thành phố có thể sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trở lại. Thời gian qua, ngành du lịch trên địa bàn đã xây dựng thêm sản phẩm du lịch mới và hoàn thiện những sản phẩm hiện có.
"Một loạt sản phẩm du lịch mới cũng được công bố trong chương trình Tuần lễ du lịch TP HCM - Thành phố tôi yêu, để phục vụ người dân trên địa bàn thành phố, khai thác thị trường khách nội địa và chuẩn bị đón khách quốc tế" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Tín hiệu tích cực nhưng không quá lạc quan, nhiều DN nhận định vẫn có những trở ngại trong việc mở cửa trở lại để đón khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, cho biết DN đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết về sản phẩm, nhân sự... cho việc đón khách du lịch quốc tế trở lại. Dù vậy, việc DN quan tâm lúc này là hướng dẫn cụ thể của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc khách du lịch đến Việt Nam sẽ ở khách sạn, resort trong 3 ngày đầu và sau đó có được di chuyển tới các địa phương khác ngoài 6 địa phương được thí điểm? Đồng thời, hiện khách có hộ chiếu Việt Nam được nhập cảnh bình thường, còn những khách có "hộ chiếu vắc-xin" khác thì có phải duyệt nhân sự, xin visa cụ thể ra sao?
"DN đã thông báo với các đối tác ở nước ngoài, sẵn sàng cho việc đón khách trở lại sau khi có hướng dẫn cụ thể về quy định phòng dịch, y tế cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh" - ông Nguyễn Hữu Y Yên nói.
Ở góc độ thị trường, một trong những khó khăn theo các DN, là thời điểm này đã qua nửa mùa cao điểm phục vụ khách du lịch quốc tế. Hiện chủ yếu nhu cầu du lịch của khách Việt kiều và khu vực Đông Nam Á là cao. Trong khi nhiều nước lân cận cũng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và vừa mở cửa trở lại nền kinh tế.
Phân khúc khách châu Âu, Mỹ đã thích nghi với Covid-19 nhưng chúng ta không thể kỳ vọng bán tour chỉ trong 1-2 tháng tới mà thường phải quảng bá, xúc tiến trước vài tháng, thậm chí 6 tháng đến 1 năm. Đây là phân khúc khách có lộ trình cụ thể, lên kế hoạch quảng bá rõ ràng…
"Giai đoạn trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung làm việc với các đối tác đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch để chuẩn bị cho mùa du lịch quốc tế trong năm 2022. Chúng tôi sẽ theo dõi những chuyến bay thường lệ quốc tế giữa Việt Nam và các nước để khi tần suất nhiều hơn, đường bay mở thêm và đặc biệt là lịch bay phải xa hơn giúp xây dựng tour tuyến dài hơi" - ông Trần Thế Dũng nói.
Phát triển lại thương hiệu du lịch
Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương kiến nghị để DN đón khách quốc tế trở lại thuận lợi cần chính sách cụ thể, rõ ràng và có hướng dẫn thực thi triệt để của Chính phủ. Đồng thời, công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch là cần thiết dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Trải qua 2 năm gần như giảm đến 98% mảng du lịch quốc tế, nên để du khách không quên, cần xây dựng lại thương hiệu du lịch TP HCM trong mắt bạn bè quốc tế thông qua các chương trình hội chợ, triển lãm hoặc thiết thực nhất là kích cầu thông qua chính sách mở cửa du lịch. Cùng với việc chung sức quảng bá của DN, cần đồng bộ chính sách phát triển du lịch giữa các địa phương. Bởi đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa thật sự mở cửa sống chung với Covid-19 nên du lịch quốc tế có trở lại cũng không dễ" - ông Nguyễn Trần Hoàng Phương đề xuất.
Bình luận (0)