Sáng nay 12-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh - Ảnh: Nguyễn Nam
Báo cáo kế hoạch phát triển KT-XH của Chính phủ nêu rõ kết quả nổi bật năm 2017 là tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,7%, hoàn thành mục tiêu đề ra, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước với khoảng cách lớn, trên 1 điểm phần trăm; quy mô GDP (theo giá hiện hành) đạt khoảng 5 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 225 tỉ USD, GDP bình quân đầu người khoảng 2.400 USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế năm 2017 tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 quốc gia, vượt qua Philippines và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN; môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế, duy trì vị trí thứ 5 trong khu vực ASEAN...
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ việc xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án BOT ngành giao thông; xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đạt một số kết quả bước đầu; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.... Chính phủ cũng đặt kế hoạch tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng thông qua các hình thức đối tác công tư, như BOT, BT...;
Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa đặt trên Quốc lộ 1 tại xã Trung Hòa huyện Trảng Bom, Đồng Nai - Ảnh: Xuân Hoàng
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Vũ Hồng Thanh cho biết đa số ý kiến Thường trực UBKT đồng tình với những kết quả KT-XH đã được. Tuy nhiên, Thường trực UBKT cũng đánh giá trong điều hành nền kinh tế cần hạn chế việc ban hành quyết định mang tính hành chính, áp đặt, can thiệp không phù hợp quy luật thị trường.
Về tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu cần đánh giá cụ thể hơn những yếu tố, mặt hàng đóng góp tích cực vào xuất khẩu 9 tháng và khả năng thực hiện những tháng cuối năm, nhất là của khối FDI cũng như xu hướng nhập siêu từ khu vực ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc đang tăng lên do thực thi lộ trình giảm thuế theo các cam kết thương mại quốc tế đã và đang tác động tới nền kinh tế.
Đáng chú ý, theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến đề nghị cần phải tăng cường quản lý nhà nước đối với các dự án BOT giao thông vì thời gian qua hầu hết các dự án được chỉ định thầu, các nhà đầu tư chưa bảo đảm năng lực thực hiện dẫn đến một số dự án phải bổ sung, điều chỉnh và chất lượng một số công trình quá kém.
"Tính công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về xác định tổng mức đầu tư, mức phí (giá) dịch vụ, thời gian thu phí và việc đặt các trạm thu phí BOT chưa hợp lý tại các tuyến quốc lộ gây ra những phản ứng trái chiều trong xã hội, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương" - ông Vũ Hồng Thanh nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ
Góp ý báo cáo KT-XH của Chính phủ, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ bày rỏ lo ngại vấn đề BOT rất phức tạp, có thể bị kích động thành điểm nóng.
Ông Đỗ Bá Tỵ kiến nghị tiền hành tổng ra soát các dự án BOT giao thông, đặt biệt là vị trí đặt trạm, thời gian thu phí, giá vé có đúng không?
"Phải có đánh giá đầy đủ về các dự án BOT giao thông. Ví dụ như BOT Biên Hoà ở tỉnh Đồng Nai, tôi đã trao đổi với Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Nguyễn Phú Cường là trạm BOT đã đặt đúng vị trí chưa?, chứ giảm giá vé là chưa đủ. Nếu không có đánh giá và biện pháp trúng thì có thể tiềm ẩn nguy cơ bất ổn từ các dự án BOT giao thông".
Tán đồng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng kiến nghị có tổng rà soát, đánh giá đầy đủ về các dự án BOT giao thông.
Tăng trưởng GDP do Samsung, Formosa...
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ kết quả tăng trưởng GDP năm 2017 ước đạt 6,7% này là sự đóng góp của tất cả các ngành, lĩnh vực ở mức tăng cao, đồng thời ở cả 3 khu vực. Nổi lên là tăng trưởng cao ở khu vực công nghiệp và xây dựng (7,6%), trong đó, đóng góp chủ yếu là của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 12,9%), nhờ sự mở rộng quy mô sản xuất, tăng sản lượng đột biến của các doanh nghiệp lớn thuộc ngành điện tử, điện thoại (như nhà máy Samsung), ngành thép (như nhà máy Formosa). Khu vực dịch vụ tăng mạnh (7,6%) với sự khởi sắc của dịch vụ bán buôn, bán lẻ trong nước (tăng 8,7%), khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 13 triệu lượt khách, tăng 30%. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phục hồi, tăng 2,9%, trong đó đóng góp chính là ngành thủy sản, tăng 5,5%...
Bình luận (0)