Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):
Tiếp tục miễn giảm một số sắc thuế
Hoạt động du lịch của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đang trên đà phục hồi rất tích cực. Chúng tôi đặt kế hoạch tăng trưởng năm nay cao hơn mức thực hiện năm ngoái. Theo đó, dự kiến phục vụ khoảng 1,7 triệu lượt khách, tổng doanh thu trên 14.000 tỉ đồng, lợi nhuận trên 3.430 tỉ đồng.
Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhưng việc áp dụng trên thực tế chưa nhanh, còn nhiều thủ tục nên kết quả vẫn chưa như kỳ vọng. Đơn cử, không ít khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng... hiện chưa được hưởng chính sách giảm thuế đất 30% do quy định, thủ tục chồng chéo.
Sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam rất cần những chính sách mới; những chương trình, kế hoạch lớn mang tầm quốc tế. Nếu du lịch Việt Nam thiếu đột phá, sẽ mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại thời hoàng kim như năm 2019, chưa nói đến mục tiêu kéo giảm khoảng cách với các quốc gia có ngành du lịch phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Chúng tôi đề xuất Chính phủ tiếp tục miễn, giảm một số sắc thuế để doanh nghiệp (DN) mạnh dạn cơ cấu lại chính sách giá; có nguồn lực phục vụ quảng bá, tiếp thị; đầu tư mạnh vào công nghệ và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng tốt.
Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng Giám đốc Saigon Co.op:
Thúc đẩy thị trường bán lẻ
Sau thời gian chững lại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thị trường bán lẻ đang trên đà hồi phục tốt từ quý IV/2022 với mức tăng trưởng bằng thời điểm trước dịch. Tuy nhiên, đang có tình trạng DN bán lẻ trong nước rơi rụng và giảm thị phần trong khi tỉ trọng bán lẻ của khối DN nước ngoài gia tăng. Bên cạnh đó, những mặt hàng có giá trị cao, hàng xa xỉ phẩm đang giảm dần tỉ trọng trong cấu trúc bán lẻ, thay vào đó là những mặt hàng thiết yếu. Trước tình hình này, cần quy hoạch lại bán lẻ theo hướng ưu tiên xúc tiến thương mại điện tử, thanh toán không thông qua cửa hàng. Cũng cần quy hoạch lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản phẩm song song với tăng cường hiệu quả kết nối.
Để hỗ trợ bán lẻ phát triển, nguồn lực tài chính và con người là quan trọng nhất và cần được quan tâm nhiều nhất. Dòng tiền của DN bán lẻ trong nước hiện nay không còn tốt như trước, khó xoay vòng vốn nhanh nếu chi phí tài chính quá cao. Bên cạnh chính sách hỗ trợ liên quan đến bất động sản và phát triển thương mại, cần những chính sách vĩ mô, những chương trình kết nối DN bài bản với sự phối hợp nhuần nhuyễn hơn.
Bà NGUYỄN HOÀI THU, Giám đốc điều hành Vincapital:
Cơ hội cho thị trường chứng khoán
Chỉ số P/E (giá cổ phiếu so với lợi nhuận) năm 2023 dự báo nằm trong khoảng 10 lần là vùng định giá rẻ nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Mức này thấp hơn khoảng 30% so với các thị trường mới nổi trong khu vực ASEAN. Nhận thấy sự hấp dẫn này, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 1,3 tỉ USD trong tháng 11 và 12-2022.
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với khoảng 6,5%/năm. Giai đoạn 2021-2025, nước ta đặt mục tiêu tăng trưởng cao với 6,5%-7%/năm và sẽ tác động tích cực đến hoạt động của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Tình hình kinh tế được dự báo khá sáng sủa trong 3-5 năm tới cùng triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán cũng sẽ là động lực quan trọng để thu hút dòng tiền trong và ngoài nước. Quy mô của thị trường chứng khoán sẽ mở rộng nhờ thanh khoản tăng và còn nhiều DN có khả năng niêm yết trong những năm tới.
Doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhà nước hỗ trợ nguồn lực tài chính, con người để có dư địa duy trì, phát triển sản xuất - kinh doanh trong năm 2023. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Bóng đèn Điện Quang vận hành sản xuất ổ cắm Ảnh: Thanh Nhân
Ông NGUYỄN HOÀI NAM, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam:
Tiếp tục hỗ trợ DN
Dự báo năm 2023, ngành thủy sản gặp nhiều thách thức khi đơn hàng sụt giảm. DN thủy sản mong muốn các ngành du lịch, thể thao, văn hóa phối hợp với ngành nông nghiệp triển khai xúc tiến thương mại sản phẩm thủy sản nói riêng và nông - lâm - thủy sản nói chung như cách mà các nước phát triển đang thực hiện. Chúng tôi cũng mong Chính phủ tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ DN đã phát huy hiệu quả trong năm 2022 nhằm tạo dư địa tăng trưởng cho năm 2023, ví dụ chính sách về tiếp cận vốn, ưu đãi lãi suất cho vay...
Ngoài ra, ngành thủy sản mong Chính phủ cùng các bộ, ngành tiếp tục đồng hành với cộng đồng DN để tháo gỡ vướng mắc xung quanh quy định liên quan đến môi trường kinh doanh. Việc này giúp tăng sức cạnh tranh cho DN Việt trên thị trường quốc tế trong bối cảnh một số đối thủ của ngành thủy sản Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador cũng đang học theo mô hình của chúng ta.
Ông LƯƠNG VIỆT QUỐC, CEO Real Time Robotics:
Chọn lọc, tiếp thu cách làm hay
Chúng ta đã có sản phẩm máy bay không người lái Hera là do người Việt phát minh, thiết kế, chế tạo với các tính năng vượt trội và đã được xuất khẩu sang Mỹ với giá cao hơn sản phẩm của các nước G7. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng phát minh, chế tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, vượt trội về tính năng nhưng giá thành lại thấp. Vấn đề tiếp theo là cần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để ngày càng có nhiều DN công nghệ Việt Nam sáng tạo ra được những sản phẩm như vậy.
Mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh không phải so với chính chúng ta ngày hôm qua mà phải so với các nước. Chẳng hạn, việc bãi bỏ giấy phép con là bước tiến lớn ở Việt Nam nhưng còn kém xa so với các chính sách hỗ trợ startup công nghệ của Israel. Quốc gia này không những không có giấy phép con mà người khởi nghiệp còn được hỗ trợ ngay khi mới có ý tưởng, chưa kịp thành lập DN. Họ ưu tiên hỗ trợ DN đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, giải pháp cạnh tranh ở tầm thế giới. Bởi vì, sáng tạo và phát minh tạo ra giá trị lớn nhất, giúp nâng tầm quốc gia, hiệu quả cao hơn so với đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ để gia công cho các tập đoàn đa quốc gia.
Các giải pháp hỗ trợ được các nước triển khai toàn diện từ đầu tư vốn mồi, cơ chế huy động vốn đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm đến ưu đãi về thuế, mặt bằng... Chúng ta có thể chọn lọc các chính sách đã được chứng minh thành công tại Mỹ, Israel... để áp dụng nhằm đẩy nhanh việc cải thiện năng lực cạnh tranh cho DN Việt, nền kinh tế Việt.
Ông ĐỖ XUÂN LẬP, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam:
Tránh mất cân đối giữa nguyên liệu và chế biến
Xuất khẩu gỗ năm 2022 gặp khó khăn chưa từng thấy trong 15 năm qua. Năm nay, trên cơ sở tín hiệu tích cực từ 2 thị trường chính là Bắc Mỹ và châu Âu, ngành gỗ đặt kỳ vọng xuất khẩu đạt 18 tỉ USD, tăng trưởng từ 7%-9% so với năm ngoái. Dự báo, từ quý II/2023, mức độ phục hồi đơn hàng đạt khoảng 80%-85% so với cùng kỳ; đến quý III và quý IV năm nay sẽ khởi sắc trở lại. Để đạt mục tiêu, ngành gỗ đang tập trung tăng tỉ lệ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước để giảm chi phí; chủ động sản xuất, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm chi phí vận hành; đẩy mạnh xúc tiến thương mại...
Chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược gắn việc phát triển rừng trồng với chế biến sâu nhằm tránh mất cân đối giữa nguyên liệu và chế biến. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính đẩy mạnh giải quyết các hồ sơ hoàn thuế GTGT với giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng chỉ tính riêng trong ngành gỗ.
5 giải pháp cho ngành nông nghiệp
Ông Đặng Dương Minh Hoàng - Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ số Bình Phước, Chủ nhiệm "Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc" - kiến nghị 5 giải pháp cho một trong những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế là nông nghiệp.
Thứ nhất, hỗ trợ nông dân áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, nhất là áp dụng nhật ký điện tử để xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây.
Thứ hai, công khai, công bố rộng rãi chương trình hỗ trợ, cho vay ưu đãi, trong đó có cơ chế tín dụng cho nông nghiệp số, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, việc định giá tài sản đối với đất nông nghiệp cần được thực hiện bởi một đơn vị thứ ba thay vì áp dụng đơn giá của UBND cấp tỉnh với mức rất thấp.
Thứ ba, ứng dụng phần mềm để ngân hàng, cơ quan quản lý, đơn vị bảo hiểm đánh giá tiêu chuẩn, quản lý sử dụng tiền vay, giám sát sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách, đặc biệt là bảo hiểm nông nghiệp.
Thứ tư, tăng cường xúc tiến, quảng bá cho những nông hộ, HTX, DN thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc ứng dụng nông nghiệp số, cơ giới hóa, tự động hóa và nông sản hữu cơ.
Thứ năm, đẩy mạnh xúc tiến và chuyển giao khoa học công nghệ, qua đó tận dụng được tiềm năng của các vùng sản xuất trọng điểm.
N.Ánh
Bình luận (0)