Thực tế, nguồn cung cho các nhà bán lẻ lớn (cả Việt Nam lẫn DN vốn đầu tư nước ngoài - FDI) phần lớn là hàng Việt Nam, chiếm từ 60% cho đến 90%, thậm chí nhiều hơn. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy hầu như không có nhà bán lẻ FDI lớn nào chỉ kinh doanh hàng của nước mình hoặc hàng nhập mà không chú trọng hàng hóa của nơi họ đầu tư. Thậm chí, hàng nội địa luôn có tỉ lệ cao hơn so với hàng của nước chủ sở hữu hệ thống phân phối hoặc hàng nhập, bởi đây không chỉ là ý muốn chủ quan của DN bán lẻ mà còn là yêu cầu khách quan của thị trường, cụ thể là nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng.
Nguyên tổng giám đốc một DN bán lẻ lớn cho rằng nhà bán lẻ nước ngoài làm ăn tại Việt Nam sẽ ưu tiên bán hàng nội địa để tối ưu hóa lợi nhuận, trừ trường hợp nhà bán lẻ đó có quan hệ với 1 nhóm DN cung ứng mà nhóm đó mang lại lợi ích tốt hơn, lâu dài hơn thì họ mới chọn. "Vậy nên, câu chuyện cuối cùng là DN cung ứng Việt phải lớn lên, nâng cao năng lực cung ứng và nâng chất để trụ vững" - vị nguyên tổng giám đốc này gợi ý.
Lâu nay, nhà nước và bản thân các DN bán lẻ triển khai nhiều chương trình hỗ trợ cơ sở sản xuất, DN nhỏ và vừa tham gia hệ thống phân phối hiện đại. Khá nhiều DN đã trưởng thành từ những trợ lực ban đầu đó. Mặc dù vậy, mọi hỗ trợ chỉ là lực đẩy ban đầu và mang tính ngắn hạn, còn lại là tùy quyết tâm và chiến lược của DN để phát triển tiếp. Bột Bích Chi ban đầu không biết gì về tiêu chuẩn bán hàng vào kênh siêu thị nhưng sau những hỗ trợ bước đầu, họ đã nắm bắt cơ hội vươn lên, đến nay đã tạo được uy tín thương hiệu lớn cả trong lẫn ngoài nước.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!