Theo Tổng cục Thống kê, dù dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tiếp tục giữ mức tăng dương. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2020 ước tính đạt 439,8 tỉ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 229,2 tỉ USD, tăng 4,7%.
Nông, thủy, hải sản khả quan
Từ tháng 6 đến nay, Công ty CP Vinamit đã xuất khẩu một số lô hàng trái cây organic gồm bưởi, mít… sang châu Âu theo đường hàng không. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT công ty, cho biết người tiêu dùng châu Âu rất thích nông sản tươi của Việt Nam vì còn tự nhiên và giá rẻ. "Việc đi lại giữa châu Âu và Việt Nam bị gián đoạn vì dịch Covid-19, Vinamit phải làm việc với đối tác thông qua điện thoại, email… nên việc đàm phán, thực hiện hợp đồng có chút khó khăn. Tuy nhiên, diễn biến trong những tháng gần đây cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc" - ông Viên nêu thực tế.
Theo các doanh nghiệp (DN), Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cánh cửa gia nhập thị trường EU cho các DN xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông, thủy, hải sản. "Do thị trường này mở cửa rộng hơn đối với hàng Việt nên tốc độ mạnh trong những tháng qua. Tuy nhiên, công ty chỉ mới khởi động, xuất khẩu thăm dò thị trường chứ chưa đạt đến mức độ nhộn nhịp như những thị trường truyền thống là Mỹ, Trung Quốc" - ông Viên thông tin và cho biết thêm, đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống của Vinamit vẫn đều đặn theo kế hoạch từ 6 tháng trước, hầu như không bị ảnh hưởng gì bởi dịch Covid-19. Thay đổi duy nhất là từ đầu năm đến nay, Vinamit không phát triển thêm sản phẩm mới, tập trung vào những sản phẩm sẵn có và củng cố nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng của các thị trường truyền thống lẫn thị trường mới là châu Âu trong thời gian tới.
Không chỉ các nhà máy chế biến của Vinamit tăng sản lượng cho đơn hàng xuất khẩu mà nhà máy chế biến hồ tiêu bắt đầu mua nguyên liệu trở lại, nhà máy sản xuất dừa tươi, dừa chế biến cũng hoạt động trở lại, chứng tỏ thị trường đang trên đà phục hồi.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn (APT), báo tin vui là doanh thu xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2019 đã vượt, dự kiến cả năm APT sẽ "về đích" an toàn. Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, APT đang cung cấp các mặt hàng thủy hải sản tươi sống lẫn chế biến sang Úc, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Nhật theo thương hiệu của nhà mua hàng lẫn thương hiệu công ty.
"Đầu năm nay, nhận thấy tình hình quá khó khăn, chúng tôi đã phát triển thêm một số mặt hàng chế biến từ nguyên liệu chính là thủy, hải sản như khổ qua nhồi chả cá, cá lóc hấp bầu, bánh bột lọc nhân tôm… xuất khẩu và được thị trường các nước đón nhận tích cực. Thừa thắng xông lên, công ty sản xuất thêm một số mặt hàng cá khô như khô cá lóc, khô cá ba sa và bánh cho thị trường Hàn Quốc. Nước mắm thương hiệu APT và Bản Việt của công ty cũng được đưa sang thị trường này" - ông Trương Tiến Dũng kể.
Năm 2021, APT đặt mục tiêu tăng trưởng nhưng không mạo hiểm. Công ty này đã phải từ chối đơn hàng 30 container cá điêu hồng/tháng của một nhà bán lẻ lớn ở Mỹ một phần do không bảo đảm đủ sản lượng cá nguyên liệu, phần khác để tránh rủi ro không có lợi nhuận do nhà nhập khẩu này chốt đơn giá 1 lần cho cả năm. "Nguyên liệu dùng trong chế biến đang cực kỳ khó khăn, có những thời điểm khan hiếm đến mức công ty phải cắt cử nhân viên đi tất cả cảng cá phía Bắc để thu mua. Giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá thành sản xuất tăng theo nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang quá ảm đạm, việc tăng giá bán là bất khả thi" - tổng giám đốc APT nói.
Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), do dịch bệnh, sức mua mặt hàng tôm trên thế giới giảm sút nhưng tôm Việt Nam lại có một năm tăng trưởng tốt, bình quân ở mức từ 10%-20% so với cùng kỳ 2019. Nhiều DN đã có hợp đồng đến hết năm 2020, thậm chí là hết quý I/2021. Nguyên nhân chính nhờ Việt Nam kiểm soát Covid-19 tốt nên duy trì được sản xuất kinh doanh trong khi các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan… bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh. Dù vậy, hợp đồng tập trung vào những DN đã có nền tảng tốt, đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn những DN mới chưa có thị trường thì không được hưởng lợi do khách hàng không thể đến Việt Nam để thẩm định đối tác mới trước khi ký hợp đồng mới.
"Điểm khác biệt của năm nay là cơ cấu tôm xuất khẩu chủ yếu phục vụ bán lẻ với tôm cỡ nhỏ còn tôm cỡ lớn cho kênh nhà hàng khách sạn giảm rất mạnh. Từ nhu cầu nguyên liệu tôm nhỏ của nhà máy, nông dân thu hoạch tôm cỡ nhỏ, tuy lợi nhuận trên mỗi vụ ít hơn tôm cỡ lớn nhưng nông dân có thể tăng số vụ nuôi trong năm" - ông Lĩnh phân tích.
Ông Lĩnh cho hay từ nay đến cuối năm là cao điểm xuất khẩu để phục vụ Noel, Tết dương lịch và các nhà nhập khẩu tôm vẫn chưa có thông báo hoãn đơn hàng hay thay đổi gì do ngành tôm cung cấp thực phẩm thiết yếu khi một số nước EU vừa mới áp dụng lệnh phong tỏa mới để chống dịch.
Sản phẩm tôm xuất khẩu được giới thiệu tại một hội chợ. Ảnh: NGỌC ÁNH
Nỗ lực giữ khách hàng
Ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Argex Sài Gòn, cho biết từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19 nên DN không phát triển thêm khách hàng mới mà cố gắng duy trì ổn định với những đối tác sẵn có. Trong 3 thị trường xuất khẩu chính của công ty gồm Mỹ, EU, Nhật đều gặp khó khăn do dịch bệnh nên công ty đã chủ động đưa ra hướng hỗ trợ đôi bên cùng có lợi. Cụ thể, Argex Sài Gòn đã quyết định giảm giá tùy mặt hàng từ đầu năm đến tháng 11 với mức giảm từ 7%, ưu tiên cho khách hàng được thanh toán chậm… "Nhờ chia sẻ khó khăn nên công ty tiếp tục duy trì được lượng khách hàng ổn định. Nếu những năm trước, thời điểm này DN đã có đơn hàng cho cả năm 2021 nhưng hiện công ty mới có đơn hàng đến tháng 1-2 năm sau. Nhưng vậy, đã là tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường" - ông Phạm Hải Long nói.
Một điểm nổi bật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Agrex Sài Gòn là dù doanh thu không tăng nhưng lợi nhuận vẫn tăng khoảng 3%-5% so với năm ngoái. Có được điều này, do DN tính toán lại để hợp lý hóa quy trình sản xuất, cắt giảm những chi phí không cần thiết, tập trung vào chất lượng và nâng cao năng suất lao động.
Ngoài ra, điều đáng mừng của DN là từ đầu năm đến nay, công ty vẫn duy trì nguồn lao động, không cắt giảm nhân sự thậm chí tuyển dụng thêm để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và tăng trưởng sau dịch. Tổng quỹ lương của công ty còn tăng thêm so với năm ngoái. "Thị trường chính của DN là Mỹ và tình hình được dự báo sẽ khả quan hơn khi có vắc-xin phòng dịch Covid-19. Do đó, dù đơn hàng chỉ mới có đến đầu năm sau cũng gây khó khăn cho DN trong tính toán mua nguyên phụ liệu, tính toán kinh doanh nhưng chúng tôi vẫn quyết định đầu tư về nhân sự có chất lượng để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau dịch" - ông Phạm Hải Long nói.
Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Khai thác hải sản và Chế biến nước mắm Thanh Hà (Phú Quốc, Kiên Giang), cũng báo tin vui khi xuất khẩu của DN tăng khoảng 10% so với năm ngoái tập trung vào các thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. "Phân khúc cung cấp vào nhà hàng, khách sạn giảm rất mạnh nhưng bù lại từ kênh bán lẻ để phục vụ người dân nấu ăn tại nhà. Tại DN, thị trường EU phát triển tốt nhất do trước giờ đối tác phân phối cho các hệ thống bán lẻ và tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA, thuế suất nước mắm từ 7,7% về 0% cũng giúp hàng Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh" - bà Ngân phân tích.
Tuy nhiên, theo bà Ngân, do dịch bệnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số nguyên liệu đầu vào nhất là bao bì tăng giá, chi phí logistics tăng nhưng giá bán sản phẩm không thể tăng nên biên độ lợi nhuận của DN giảm. Dù vậy, DN cũng nhận thấy trong tình hình khó khăn chung, việc duy trì sản xuất, xuất khẩu và có lợi nhuận đã là một kết quả tốt.
Xuất khẩu bánh kẹo sang Mỹ tăng mạnh
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 9 tháng năm 2020, xuất khẩu bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc của Việt Nam sang EU đứng đầu về kim ngạch, với gần 97 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ 9 tháng qua tăng rất mạnh 56% so với cùng kỳ năm ngoái, vươn lên đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt hơn 80 triệu USD. Tiếp sau đó là thị trường Campuchia đạt 46 triệu USD, chiếm 8,5%, tăng 4% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu bánh kẹo, sản phẩm từ ngũ cốc của nước ta đạt kim ngạch hơn 534 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình luận (0)