Sáng 23-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018.
5 câu hỏi lớn cần giải đáp
Điểm lại thành tích lần đầu tiên xuất khẩu trên 200 tỉ USD năm 2017 với những ngành hàng có kim ngạch lớn như: điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp…, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận chiếm lĩnh được thị trường chính là con đường để nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Trong đó, ngoài việc "nhìn vào" thị trường toàn cầu thì thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng. Ngoài ra, do nhập siêu là "cội nguồn" của lạm phát nên cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành… Từ đó, Thủ tướng cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, bất cập cần tháo gỡ trong bối cảnh độ mở nền kinh tế lên đến 190% GDP và xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ nêu ra 5 câu hỏi lớn xung quanh tình hình xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ nhất, làm sao tăng được giá trị gia tăng với hàng xuất khẩu của Việt Nam, để doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ có chế biến thô hay dừng lại ở tôm đông lạnh, cá phi-lê…
Các bộ, ngành nhìn nhận sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Thứ hai, sáng kiến nào để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, rào cản mà các ngành hàng vấp phải. "Nếu hôm nay, các đơn vị không phát biểu được hết hay có gì "tế nhị" thì viết thư gửi Thủ tướng, bộ trưởng để tháo gỡ" - Thủ tướng bày tỏ.
Thứ ba, làm sao để DN có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu? Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì? Các đơn vị chuyên môn hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Công tác tuyên truyền, hướng dẫn DN, hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện quy định như thế nào, yêu cầu chất lượng hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc ra sao? Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cần phải làm gì để chủ động hơn trong bối cảnh hiện nay?
Thứ tư, tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào?
Thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, pháp luật, chất lượng, hay cả ba? Bức tranh lớn về xuất khẩu cần được tiếp cận như thế nào?
Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, nhà chiến lược, những người dày dạn kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế đóng góp ý kiến về các vấn đề trên. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về một số giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Ứng phó chủ nghĩa bảo hộ trở lại
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu một trong những khó khăn hiện nay là sự quay trở lại của "chủ nghĩa bảo hộ". "Nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc tuy không lớn nhưng vẫn âm ỉ, dẫn đến tâm lý không an tâm cho DN, nhà đầu tư. Chủ nghĩa bảo hộ đang xuất hiện trở lại và thể hiện rõ ràng hơn trong những tháng đầu năm 2018" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.
Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay lần đầu tiên sau rất nhiều năm, Mỹ áp dụng lại biện pháp tự vệ toàn cầu trong thương mại (đối với máy giặt). Mỹ cũng sẵn sàng mâu thuẫn với chính mình, thay đổi quy tắc xuất xứ đã được nước này công nhận và duy trì nhiều năm để có thể đánh thuế "chống lẩn tránh" vào tôn xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế chống bán phá giá cá tra, basa mới được công bố gần đây cũng cao một cách bất thường.
Để ứng phó, Bộ Công Thương nêu giải pháp tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các DN để chủ động phòng tránh các vụ kiện; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn DN cách ứng phó để giảm thiểu tác động bất lợi. Ngoài ra, nghiên cứu và tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh"…
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ sự gia tăng bảo hộ của các nước đối với sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước, kể cả các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, EU… bằng việc đưa ra các rào cản kỹ thuật, thương mại và ngày càng có xu hướng gia tăng sẽ gây khó cho xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác như Trung Quốc, EU tạo ra làn sóng chiến tranh thương mại, cùng với việc Mỹ và đồng minh tấn công Syria, có thể ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực. Do đó, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu. "Các nước nâng tiêu chuẩn với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)