Tôi nhìn thấy sá sùng lần đầu tiên khi bảy tuổi, trong một lần theo mẹ về quê thăm bà ngoại ở thị trấn Trới, huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh. Nghe mọi người bảo bà đi “săn” sá sùng, tôi thơ ngây nghĩ chắc con sá sùng ấy phải to như nai, như hươu…
Gần tới trưa, bà ngoại về tới, bỏ mai và giỏ xuống nền nhà, đổ những con dài dài, tròn tròn như giun màu hồng tươi, lau nhau, mềm nhũn ra rổ. Tôi co rúm người trong góc nhà. Bà vừa rửa tay vừa bảo: “Đừng sợ cháu, đó là con hiền lành nhất biển đấy”.
Với một nhát phóng mai thật nhanh, chân dậm tay hất cát lên là chú sá sùng đỏ hỏn bị bắt sống.
Bắt đầu từ ấy, mùa hè ấu thơ của chị em tôi là những ngày hè theo bà đi “săn” sá sùng. Ban đêm, sá sùng đội cát ngoi lên tìm kiếm thức ăn xung quanh miệng hang, đón gió mát, tìm bạn tình. Đến sáng khi nước rút lại thụt xuống để lại vết ngoằn ngoèo trên cát, giông giống dấu vết dã tràng xe cát. Muốn bắt được nhiều phải đi sớm, lúc đó dấu vết chưa bị xoá và sá sùng chưa rút sâu xuống cát. Chị em tôi lũn cũn đi theo bà, thích đi chân trần, gí gí ngón chân vào những đụn cát nhỏ xíu sá sùng để lại bên bờ biển ấy. Mải mê nghịch cát, bắt cáy, tìm vỏ sò là thế, nhưng hễ thấy bà phóng chiếc mai thật nhanh, chân dậm tay hất cát lên là chúng tôi vây tròn hò reo bởi điều đó đồng nghĩa với việc chuẩn bị được bắt sống một chú sá sùng “đỏ hỏn”, ngoe nguẩy.
Dù có theo bà hết mùa hè này đến mùa hè khác, chúng tôi cũng không thể bắt được đến chú sá sùng thứ hai.
Như được trời ban, sá sùng sinh sống rất nhiều từ biển đảo Vân Đồn, Quan Lạn, Vạn Hoa, Vân Hải tới Móng Cái, Quảng Ninh. Loài trùn biển này được các nhà khoa học cho biết chứa tới 17 nguyên tố vi lượng, tám loại axít amin không thể thay thế và mười loại axít amin nhiều giá trị dinh dưỡng như: glyxin, alanine, glutamin, succinic… Ngoài ra, với vị ngọt, tính mát, sá sùng còn giúp chủ trị chứng tâm hàn, bổ dương khí.
Với người dân biển, sá sùng là thứ không thể thiếu trong nồi nước dùng. Ngoài xương ống, gừng, hành nướng, chỉ cần nửa lạng sá sùng khô rang thơm là nước dùng, nước lẩu sẽ có vị khác biệt ngay. Đó cũng là lý do, những người xa biển khi về nhà, phải tìm ăn bằng được bát phở quê mình. Còn những người nơi khác đến thì không hiểu bí quyết gì mà nước dùng nơi đây ngon và lạ miệng đến vậy. Thăm thú nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn, tôi chỉ bắt gặp vị ngọt đằm ấy trong bún thang Hà Nội. Tuy nhiên, người biển ăn mặn, cái vị mặn mòi ấy khác thật nhiều với hương vị của những bát bún thang đẹp mắt xứ kinh kỳ.
Sá sùng còn được dân biển coi là mồi ngon nhất trong các mồi ngon của biển. Các loài cua, cá, sam, tu hài… cũng phải xếp sau. Nhớ về sá sùng, chắc chắn mỗi người dân biển không thể quên những chảo sá sùng tươi mẹ xào với tỏi, lá lốt hoặc nướng ăn với chanh thêm chút rau thơm, bắp chuối càng nhai càng thấy ngọt. Với cánh nam giới, sá sùng khô, cho lên bếp rang nhỏ lửa vừa ròn, vừa mềm ngon hơn cả mực khô, uống với bia thì bao nhiêu mồi cũng… ít.
Với những người hiểu về sá sùng như bà tôi, thì sá sùng là cứu tinh cho những bà mẹ ít sữa. Chỉ cần một nắm sá sùng khô đem ngâm rồi cắt nhỏ hoặc băm nhuyễn nấu cháo sẽ tha hồ sữa cho con bú. Trẻ em ăn cháo sá sùng sẽ nhanh cứng cáp hơn.
Nếu người Hà Nội có đĩa thịt bò khô cay cay, dai dai. Người Hải Dương có đĩa bánh đậu xanh, bánh gai thơm ngậy. Người Thái Bình nhẩn nha bánh cáy, chén nước chè xanh thì người Quảng Ninh thường đãi khách phương xa bằng đĩa sá sùng khô nướng.
Giá của “thùng mì chính” ấy giờ đã lên tới 5 – 6 triệu đồng/kg, nên có nhà chỉ có khách thật quý mới đem ra mời, có nhà không dám ăn mà chỉ mang biếu. Tôi nhớ những ngày giáp tết xa nhà, mẹ thương lắm gửi lên mấy lạng sá sùng. Vừa rang, vừa hít hà cái mùi yêu thương của biển, vừa nhâm nhi ăn vụng một hai con, vừa nhớ mẹ, nhớ nhà.
Và vẫn là sá sùng ám ảnh tôi, mỗi dịp tết về quê ngoại. Mai và giỏ vẫn còn nhưng bà thì đã khuất. Mẹ cứ đứng ở đầu hồi nhìn xuống bếp, mắt hoe đỏ, nhớ xưa mỗi lần bà đi biển về, hạ giỏ xuống đổ sá sùng ra cho mẹ và các cậu túm tụm lộn đất cát. Đợi bà tắm rửa đất bùn xong, sẽ bắc bếp phi tỏi xào sá sùng. Cả nhà sum vầy bên mâm cơm, bình yên lắm…
Bình luận (0)