Trong thời đại công nghệ hóa, hiện đại hóa, ngành công nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ, "phủ sóng" vào từng ngóc ngách của đời sống, tác động đến mọi mặt cốt lõi của xã hội như an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục, quản lý hành chính. Công cuộc chuyển đổi số đang phát triển vượt bậc với hệ sinh thái công nghệ số đa dạng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain)... càng minh chứng cho độ hot của ngành này.
Nhiều triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn dành cho người trẻ khi theo học Công nghệ thông tin
Trước sức nóng này, nhu cầu nhân lực tăng cao là lẽ dĩ nhiên. TopDev, nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự Công nghệ thông tin, báo cáo rằng Việt Nam khả năng thiếu 150.000 đến 200.000 nhân sự IT hàng năm.
Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, lĩnh vực công nghệ sẽ có tốc độ tăng trưởng đáng kể là 15% cho đến năm 2031. Sự tăng trưởng này sẽ tạo ra khoảng 682.800 cơ hội việc làm mới trong thập kỷ tới. Như vậy, theo đuổi ngành học này, Gen Z - thế hệ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ sẽ có nhiều triển vọng phát triển, nắm bắt nhiều cơ hội hấp dẫn trong kỷ nguyên số.
Chọn ngành học "vua", các bạn trẻ có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm đa dạng như: lập trình viên, chuyên gia phân tích thiết kế tại các công ty phần mềm, chuyên gia hệ thống tại các cơ quan, chuyên gia an ninh mạng, chuyên gia phân tích và xử lý dữ liệu, kỹ sư mô hình ngôn ngữ lớn (LLM engineer), kỹ sư xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP engineer), chuyên gia đạo đức AI, chuyên gia mã hóa... với mức lương "khủng".
Nhưng dân IT cũng đối mặt nguy cơ bị đào thải cao. Chuyên gia công nghệ thông tin Đào Trung Thành đánh giá chất lượng nhân sự ngành này tại Việt Nam đang có vấn đề. Cũng theo chia sẻ của ông Thành, mỗi năm Việt Nam có khoảng 57.000 sinh viên CNTT ra trường, nhưng chỉ 35% trong số đó đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp Việt Nam.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 57.000 sinh viên CNTT ra trường, nhưng chỉ 35% trong số đó đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Theo báo cáo The New Human Age của ManpowerGroup, hơn 80% doanh nghiệp đã tăng cường tập trung vào chuyển đổi số hậu COVID-19, khiến công nghệ số trở thành top ngành giàu tiềm năng phát triển. Với nhu cầu thị trường to lớn, IT thậm chí được mệnh danh là "vua của các nghề".
Tuy nhiên, ông Thành chỉ ra rất nhiều xu hướng mới đang nổi lên trong ngành CNTT. Một trong số đó là sự phổ cập hóa việc phát triển phần mềm, khuyến khích mọi người dùng, kể cả có kinh nghiệm viết mã hay không cũng có thể thực hiện công việc. Sự phát triển của AI cũng giúp tự động hóa ngày càng nhiều nhiệm vụ cho người lao động. Do đó, vị chuyên gia dự báo một số vị trí trong ngành IT sẽ bị cắt giảm. Nhiều người lao động cũng lo lắng trước lời nguyền bị đào thải ở tuổi 35.
"Trước hết là những công việc lập trình đơn giản, hoặc sử dụng công nghệ lỗi thời mà hiện vẫn còn đang được giảng dạy trong trường học. Trong khi đó, những ngôn ngữ lập trình xu hướng như Python, Rust… lại chưa được đưa vào nhiều.
Một số nghề như DevOps, phân tích dữ liệu, hay chuyên ngành như khoa học dữ liệu, an ninh mạng cũng chưa được giảng dạy rộng rãi, mới có những khóa học bên ngoài"-ông Thành nêu quan điểm.
Như vậy, một số công việc lập trình cấp thấp sẽ bị đào thải, thay vào đó là những vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao. Ông Thành gợi ý dân công nghệ thông tin có thể chuyển sang làm các công việc như DevOps, lập trình điện toán đám mây, các vị trí về AI, Robotic…
Bình luận (0)