icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lan tỏa tình yêu Tổ quốc

Bài và ảnh: DUY QUỐC

Cuộc thi là nơi để bạn đọc bày tỏ niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" không chỉ là nơi để bạn đọc bày tỏ niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, mà còn góp phần truyền thông hiệu quả về bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 5 (năm 2024 - 2025) được Báo Người Lao Động phát động vào ngày 2-7-2024, nhân lễ kỷ niệm 5 năm Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc". Khép lại mùa giải sinh động, cuộc thi là nơi để bạn đọc bày tỏ niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Những lát cắt sinh động

Mục đích cuộc thi nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.

Cuộc thi còn cổ vũ, khuyến khích những ý tưởng, sáng kiến, giải pháp, những đóng góp thiết thực của mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; biểu dương tập thể, cá nhân, gương điển hình trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền; sự hy sinh, cống hiến của chiến sĩ Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng….

Sau gần 1 năm phát động (nhận bài dự thi từ ngày 2-7-2024 đến 31-5-2025), Ban Tổ chức tiếp nhận hơn 200 tác phẩm dự thi. Qua thẩm định, xét duyệt chặt chẽ, Ban Tổ chức cuộc thi chọn 33 tác phẩm vào vòng sơ khảo, giới thiệu trên trang Biên giới - Biển bảo của Báo Người Lao Động, phát hành vào chủ nhật hằng tuần.

Lan tỏa tình yêu Tổ quốc - Ảnh 1.

Các tác phẩm dự thi được giới thiệu trên trang Biển đảo - Biên giới của Báo Người Lao Động

Đối tượng dự thi khá đa dạng, từ giáo viên, sinh viên, văn nghệ sĩ, đến người làm công tác nghiên cứu, chuyên gia. Bên cạnh đó còn có một số tác giả là cán bộ, chiến sĩ công tác trong các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng. Hầu hết tác phẩm bám sát nội dung, chủ đề cuộc thi, phản ánh đa dạng công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Điểm nổi bật xuyên suốt qua các tác phẩm vào vòng sơ khảo là tính chân thực và cảm xúc sâu sắc. Độc giả được dẫn dắt vào câu chuyện của những con người cụ thể, với những công việc thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa nơi biên cương, hải đảo. Từ "Người giữ mốc biên cương" đến "Những "cột mốc sống" nơi biên giới" hay "Kiên cường lính đảo Hòn Mê"…, mỗi câu chuyện là một lát cắt sống động về cuộc sống, sự hy sinh và cống hiến của người lính và cả những người dân bình dị đang ngày đêm góp sức bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Các tác giả đã khéo léo khắc họa hình ảnh những người chiến sĩ vững vàng nơi biển đảo xa xôi như Trường Sa ("Dưới bóng cờ Trường Sa") hay Phú Quý ("Phú Quý - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc"). Không chỉ vậy, những người dân nơi biên giới, những giáo viên "gieo chữ" nơi vùng cao, vùng đảo ("Xóa mù chữ ở vùng biên", "Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu", "Gieo chữ ở vùng cao")… cũng được tôn vinh, cho thấy việc bảo vệ chủ quyền không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang mà còn là trách nhiệm và ý thức của mỗi công dân. Chính những câu chuyện dung dị, gần gũi này giúp độc giả cảm nhận rõ hơn giá trị thiêng liêng của độc lập, tự do.

Đa dạng đề tài, có chiều sâu

Như các cuộc thi trước, ở cuộc thi lần thứ 5, trong phần lớn tác phẩm dự thi, mảng đề tài được nhiều cây bút lựa chọn vẫn là chủ đề về biển đảo. Những tác phẩm như "Dưới bóng cờ Trường Sa", "Kiên cường lính đảo Hòn Mê", "Lời thề giữ biển", "Chuyến hải trình đặc biệt", "Phú Quý - hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc", "Làm giàu cho đảo tiền tiêu"… đã góp phần đưa hình ảnh những hòn đảo, tiền đồn xa xôi trở nên gần gũi hơn với độc giả đất liền.

Ở mảng đề tài này, các tác phẩm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn cuộc sống người dân trên đảo, sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của các cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Điển hình như tác phẩm "Dưới bóng cờ Trường Sa" khắc họa sinh động cuộc sống của chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa. Những chi tiết tưởng chừng nhỏ, như một bữa cơm của lính đảo, một tấm ảnh cũ dán trên tường, một cái bắt tay tiễn khách… nhưng lại có sức lay động lớn về sự hy sinh thầm lặng của người lính đảo. Hay như "Kiên cường lính đảo Hòn Mê" đưa người đọc theo chân những người lính canh giữ đảo, nơi điều kiện sống khắc nghiệt, bốn bề là biển dữ nhưng lòng người thì bền gan như đá, sáng ngời tinh thần yêu nước.

Trong khi đó, số lượng tác phẩm dự thi ở tuyến đề tài về biên giới trên bộ nhiều hơn, đa dạng hơn. Trong đó, nhiều tác phẩm như "Người giữ mốc biên cương", "Tự hào Sa Vĩ", "Những "cột mốc sống" nơi biên giới", "Canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc"... thể hiện lối viết ký sự có chiều sâu, chân thật, giàu cảm xúc. Các bài viết khắc họa đậm nét hình ảnh cao đẹp của người lính biên phòng và cả những con người rất đỗi bình dị nhưng tích cực góp sức mình xây dựng vùng biên giàu đẹp. Ở đó là sự cống hiến, hy sinh, nỗ lực vượt qua gian khổ của chiến sĩ biên phòng để bảo vệ đường biên, bảo vệ an ninh - quốc phòng biên giới; đoàn kết nhân dân xây dựng vùng biên giới hòa bình, hữu nghị. Ở đó là những già làng, thanh niên bản làng cùng chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, theo chân bộ đội biên phòng tuần tra, bảo vệ biên giới, cột mốc chủ quyền.

Một mảng đề tài khác là những hành trình "gieo chữ", gìn giữ văn hóa nơi vùng cao, vùng sâu biên giới - hải đảo góp thêm sự đa dạng cho cuộc thi. Các tác phẩm như "Xóa mù chữ ở vùng biên", "Gieo chữ nơi đảo tiền tiêu", "Gieo chữ ở vùng cao", "Đảo Bích Đầm vào bài giảng"... góp phần truyền tải thông điệp về xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc nơi phên giậu đất nước.

Giá trị tuyên truyền sâu rộng

Ban Tổ chức cuộc thi đánh giá cuộc thi viết "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm" lần 5 mở rộng cả về chủ đề, không gian và đối tượng nhân vật. Nhiều cây bút thể hiện khả năng khai thác vấn đề linh hoạt, sử dụng nhiều bút pháp như ghi chép, ký sự nhưng vẫn giữ được chất chính luận cần thiết.

Cuộc thi vì thế không chỉ là nơi để bạn đọc bày tỏ niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc, nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà còn là kho tư liệu sinh động, chân thực, góp phần truyền thông hiệu quả về bảo vệ chủ quyền quốc gia. Các tác phẩm đã được đăng tải trên những nền tảng báo in, báo điện tử, chia sẻ trên mạng xã hội góp phần lan tỏa đến đông đảo bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ. Không những vậy, cuộc thi còn thể hiện vai trò của báo chí trong việc "truyền lửa", gìn giữ chủ quyền không chỉ bằng khẩu hiệu mà bằng chính những người thật - việc thật, tạo được độ rung, truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu Tổ quốc trong cộng đồng.

Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, đánh giá cao việc Báo Người Lao Động tiếp tục tổ chức cuộc thi lần này với nhiều bài viết hay, có chiều sâu, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong tình hình mới.

"Với cá nhân tôi, một người lính Hải quân, Báo Người Lao Động là một người bạn đồng hành thủy chung, đầy tâm huyết với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - Chuẩn Đô đốc Phạm Khắc Lượng chia sẻ thêm. 

Lan tỏa tình yêu Tổ quốc - Ảnh 2.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo