Sáng 26-4, tại TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) Trung ương phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lễ phát động Tháng hành động về AT-VSLĐ và Tháng Công nhân (CN) năm 2024. Dự buổi lễ có bà Bùi Thị Minh Hoài - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… cùng đông đảo đoàn viên - lao động.
Tai nạn lao động để lại hậu quả nặng nề
Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH), so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị TNLĐ nặng.
Cụ thể, TNLĐ chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ); giảm 7,29% số người chết (699 người, giảm 50 người); giảm 4,2% số vụ tai nạn (giảm 324 vụ); giảm 4,7% số người TNLĐ (giảm 370 người). TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động có chiều hướng giảm mạnh số vụ, số người chết và bị thương, tuy nhiên ở khu vực không có quan hệ lao động có chiều hướng tăng nhẹ sau 4 năm giảm liên tiếp. Cụ thể có 159 vụ tai nạn làm 169 người chết.
Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng ông Thắng cho biết công tác AT-VSLĐ vẫn còn một số hạn chế. Số vụ TNLĐ, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ làm 7.553 người bị nạn, trong đó 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn, làm 699 người chết.
Tổng chi phí cho TNLĐ và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công (chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động). Diễn biến tình hình TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng - về số vụ, số người bị nạn.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Bộ LĐ-TB-XH, là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro tại nơi làm việc; nhiều người lao động (NLĐ) chưa được huấn luyện AT-VSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Anh Vũ Biên Hợi, CN Công ty CP Sông Đà 5, cho biết thời điểm anh bị TNLĐ là năm 2009, khi đó, anh làm thợ điện. Vụ tai nạn xảy ra khiến anh bị cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay phải; tỉ lệ mất sức lao động do thương tật 52%. Hiện nay, anh được công ty bố trí làm công việc bảo vệ. Gia đình anh đặc biệt khó khăn, vợ không có thu nhập, con nhỏ đang đi học.
"TNLĐ có thể xảy ra bất ngờ, bất cứ lúc nào nên NLĐ luôn phải cẩn thận, tuân thủ các quy định về an toàn, bởi một khi xảy ra, hậu quả để lại rất nặng nề, ảnh hưởng không chỉ bản thân mà còn gia đình, xã hội" - anh Hợi chia sẻ.
Nhiều chương trình chăm lo thiết thực
Theo ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - phát triển kinh tế bền vững phải gắn với bảo đảm mọi người được làm việc trong những điều kiện AT-VSLĐ; được chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần, là chuẩn mực chung trong phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Cũng theo ông Khang, việc phát động Tháng hành động về AT-VSLĐ và Tháng CN năm 2024 nhằm tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực hướng tới nền sản xuất an toàn, có năng suất cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, góp phần triển khai thắng lợi các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị 31 ngày 19-3-2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác AT-VSLĐ trong tình hình mới.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp, các ngành, các doanh nghiệp (DN) phối hợp với tổ chức Công đoàn, ngành LĐ-TB-XH tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về AT-VSLĐ và Tháng CN năm 2024, tích cực cụ thể hóa chủ đề "Tăng cường bảo đảm AT-VSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng". Đồng thời mong muốn các DN luôn trân trọng, quan tâm đầu tư xây dựng nguồn nhân lực, chia sẻ thành quả với NLĐ để nuôi dưỡng nguồn vốn quý, lực lượng tiên phong, trực tiếp trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tháng CN có chủ đề "Đoàn kết CN - Triển khai nghị quyết" được các cấp Công đoàn tập trung triển khai 4 nhóm nội dung hoạt động chính: Chương trình "Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống"; "Đối thoại tháng 5"; "Tiếp xúc chuyên đề với cử tri CN"; "Cảm ơn NLĐ".
Trong đó, dự kiến sẽ triển khai một số hoạt động tập trung cấp Tổng LĐLĐ Việt Nam như: Tọa đàm "Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ CN, Công đoàn". Đề xuất tổ chức chương trình Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đối thoại với CN - lao động; tổ chức chương trình "Muôn nẻo yêu thương" giao lưu với gia đình CN - lao động tiêu biểu vượt khó phát trên nền tảng số của tổ chức Công đoàn.
"Trong Tháng CN, CNVC-LĐ trong mỗi cơ quan, đơn vị, DN cần phát huy trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo, thi đua lao động, sản xuất, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, DN; đồng hành, gắn bó với tổ chức Công đoàn Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" - ông Nguyễn Đình Khang kêu gọi.
Bình luận (0)