Từ tờ mờ sáng, bà Nguyễn Thị Ái (67 tuổi; ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM) đã bày vé số trên bàn, ngồi bán trên vỉa hè gần Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Đến khoảng 15 giờ, bà bắt đầu dọn bàn, cầm xấp vé số còn lại đi bán dạo... Mấy năm gần đây, dù sức khỏe suy giảm rõ rệt nhưng bà vẫn không thể nghỉ ngơi vì gia đình quá khó khăn.
Cuộc sống bấp bênh
Mỗi ngày bà Ái lấy từ đại lý khoảng 600 tờ vé số, nếu bán hết thì kiếm được khoảng 100.000 đồng. "Tôi bị bệnh xương khớp, bác sĩ dặn hạn chế đi nhiều. Nhưng tôi vẫn phải đi bán vé số vì không có nghề nào khác" - bà bộc bạch.
Hoàn cảnh vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhiều (35 tuổi; ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cũng không khá hơn. Rời miền Tây đến Bình Dương mưu sinh, khoảng 15 giờ 30 phút mỗi ngày, anh chị lại khệ nệ đẩy xe chè ra bày bán trên vỉa hè. Dù chọn bán ở nơi đông người qua lại nhưng lượng khách của họ còn phụ thuộc vào thời tiết.
"Trời tạnh ráo thì buôn bán ổn, còn mưa gió thì vắng khách, có hôm vợ chồng tôi phải ngồi đến 23 giờ. Tôi thường theo dõi dự báo thời tiết để nấu chè, chứ ế nhiều thì hụt vốn. Buôn bán như thế rất mệt mỏi nhưng không làm nghề này, vợ chồng tôi cũng không biết làm gì" - chị Nhiều bày tỏ.
Theo Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), biến đổi khí hậu ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe của người lao động (NLĐ) ngoài trời tại các đô thị ở Việt Nam. Năm 2024, Social Life tiến hành khảo sát 400 NLĐ làm các công việc ngoài trời tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Công việc phổ biến của họ là xây dựng, lái xe, bán hàng rong, khuân vác… Với họ, dừng làm việc là hết tiền. Họ không có bất kỳ nguồn dự trữ nào để đối phó những giai đoạn không thể làm việc do thời tiết xấu.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Social Life, cho rằng tình trạng thiếu các biện pháp dự phòng tài chính càng nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lao động ngoài trời cũng dễ mắc bệnh.
22,3% NLĐ tham gia khảo sát của Social Life cho biết có sức khỏe yếu, thường xuyên phải nghỉ làm để trị bệnh. Họ mắc 21 loại bệnh thông thường, chủ yếu liên quan nhiệt độ, hô hấp và xương khớp. Họ làm việc ngoài trời nên dễ mắc bệnh nhưng nghỉ làm thì mất thu nhập vì không có chế độ hỗ trợ. Khảo sát đã ghi nhận nhiều NLĐ làm việc ngoài trời giảm thu nhập 40%-50% trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Nghiên cứu của Social Life còn phát hiện những khoảng trống đáng kể trong chính sách bảo vệ NLĐ làm việc ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu. Hầu hết người sử dụng lao động hỗ trợ NLĐ rất hạn chế, chủ yếu là cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cơ bản. Đáng chú ý, nhóm lao động tự do như bán hàng rong, chạy xe ôm công nghệ... gần như không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ
Từ kết quả khảo sát về thực trạng cuộc sống của lao động ngoài trời, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho rằng cần lập một quỹ hỗ trợ thu nhập khẩn cấp dành riêng cho đối tượng này.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM, để chính sách bảo vệ NLĐ ngoài trời có tính khả thi và bền vững hơn, không nên chỉ tập trung vào các giải pháp cung cấp dịch vụ miễn phí mà cần có sự kết hợp giữa miễn phí và có thu phí trong điều kiện có thể chi trả của NLĐ. Về cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ ngoài trời, nên xã hội hóa các địa điểm hỗ trợ. Chẳng hạn, cải tạo công viên thành "công viên chuyên đề" có dịch vụ cho lao động ngoài trời; tận dụng trạm dừng xe buýt và hợp tác với quán cà phê để cung cấp dịch vụ nghỉ ngơi, có thu phí.
Ông Nhựt cho rằng để giảm tình trạng dễ tổn thương của lao động ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu, cần bổ sung Luật Việc làm 2013; yêu cầu doanh nghiệp công nghệ cung cấp bảo hộ cá nhân và triển khai các sáng kiến tự thân của NLĐ, với sự điều phối của Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP HCM.
Trong khi đó, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhấn mạnh bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, cần tăng cường các biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức cho NLĐ về cách ứng phó các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các chương trình đào tạo ngắn hạn hoặc chiến dịch truyền thông và việc tuyên truyền có thể giúp NLĐ hiểu rõ hơn về các biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ.
"Công đoàn sẽ tham gia tích cực vào quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ NLĐ ngoài trời. Các chính sách có thể bao gồm giảm giờ làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cung cấp trang bị bảo hộ lao động chất lượng cao và xây dựng các điểm dừng chân, nghỉ ngơi an toàn tại công trường. Công đoàn cũng có thể hỗ trợ NLĐ tiếp cận các dịch vụ y tế khẩn cấp trong tình huống cần thiết" - ông Quang góp ý.
Đề cập vấn đề này, ông Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), cho hay HCDC đảm nhận việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm lao động phi chính thức, không có hợp đồng lao động và đang gặp phải thách thức không nhỏ. Bởi lẽ, các lao động này không được bao phủ bởi BHXH và gặp nhiều rủi ro về bệnh nghề nghiệp.
Một trong những giải pháp mà HCDC đang triển khai là mở rộng phạm vi bao phủ BHYT cho nhóm lao động phi chính thức. Trung tâm còn hướng dẫn các trạm y tế địa phương thực hiện tầm soát sớm và điều trị những dấu hiệu bệnh nghề nghiệp tương tự bệnh thông thường cho các lao động này.
67,2% lao động ngoài trời không có khoản tiết kiệm nào
Nghiên cứu của Social Life cho thấy 70,5% NLĐ ngoài trời nằm trong nhóm 30-60 tuổi; 48,5% gắn bó với công việc này trên 10 năm; trình độ học vấn tương đối thấp (46,3% tốt nghiệp THCS và 19,3% dừng lại ở cấp tiểu học); tình trạng cư trú bấp bênh (52% không có hộ khẩu thường trú TP HCM, 6,5% không có chỗ ở cố định)... Đặc biệt, 67,2% lao động ngoài trời cho biết họ không có khoản tiết kiệm nào để ứng phó tình huống khẩn cấp.
Bình luận (0)