Ế ẩm, sức khỏe suy giảm là tình trạng chung của nhiều tài xế xe ôm truyền thống hiện nay. Ông Nguyễn Văn Minh (61 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TP HCM), làm nghề lái xe ôm hơn 30 năm cũng đang chật vật kiếm sống qua ngày.
Sức khỏe suy giảm
Mỗi ngày, từ 4 giờ ông Minh đã đi phụ chở, bốc hàng ở quận 12 rồi lại chạy qua điểm đón khách quen ở TP Thủ Đức. Dầm mưa dãi nắng cả ngày ngoài trời nhưng có hôm ông trở về tay không vì không có một cuốc xe nào, ngày có khách đi thì cũng chỉ được vài chục ngàn đồng.
Dưới trời nắng nóng gay gắt, Nguyễn Thị Thu (40 tuổi, làm nghề bán trái cây dạo ở Chợ Tân Định, quận 1, TP HCM) vẫn phải đạp xe rong ruổi trên các con hẻm để bán hàng. Mồ hôi đầm đìa ướt đẫm lưng áo, khuôn mặt chị đỏ ửng, lộ rõ vẻ mệt mỏi nhưng chị vẫn nỗ lực kiếm tiền để lo cho gia đình.
"Thời tiết nóng nực khiến tiêu hao năng lượng nhiều hơn. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi khi phải đạp xe chở hàng nặng hàng ngày. Trời nắng, tôi đi bán rất mệt. Nhưng làm nghề như tôi trời mưa càng lo lắng hơn vì ế khách" - chị Thu cho hay.
Lao động ngoài trời sức khỏe suy giảm khi thời tiết ngày càng cực đoan
Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life) chỉ ra biến đổi khí hậu đến sức khỏe của người lao động ngoài trời tại các đô thị ở Việt Nam. Năm 2024, Social Life tiến hành khảo sát 400 người lao động làm các công việc ngoài trời tại 4 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Công việc phổ biến của họ là công nhân xây dựng, lái xe, bán hàng rong, khuân vác…
Nghiên cứu có một số kết quả đáng chú ý: 70,5% người lao động nằm trong nhóm 30-60 tuổi; 48,5% gắn bó với công việc này trên 10 năm; trình độ học vấn tương đối thấp (46,3% tốt nghiệp trung học cơ sở và 19,3% dừng lại ở cấp tiểu học); tình trạng cư trú bấp bênh (52% không có hộ khẩu thường trú, 6,5% không có chỗ ở cố định)…
Đặc biệt, 67,2% số lao động trên cho biết, họ không có khoản tiết kiệm nào để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Với họ, dừng làm việc có nghĩa là hết tiền, không có bất kỳ nguồn dự trữ nào để đối phó với những giai đoạn không thể làm việc do thời tiết xấu.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Social Life, chia sẻ: "Ngay sau đêm bão Yagi vừa quét qua Hà Nội, lúc mọi thứ còn ngổn ngang thì những người lao động này đã phải bước ra đường làm việc để mưu sinh. Họ không được phép nghỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân".
Tình trạng thiếu vắng các biện pháp dự phòng tài chính càng nghiêm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, lao động ngoài trời dễ mắc bệnh.
22,3% người lao động tham gia khảo sát cho biết có sức khỏe yếu, thường xuyên phải nghỉ làm để trị bệnh. Họ mắc 21 loại bệnh thông thường, chủ yếu là các chứng bệnh liên quan đến nhiệt độ, hô hấp và xương khớp.
Họ làm việc ngoài trời nên dễ mắc bệnh. Khi bệnh phải nghỉ làm mà không có chế độ ốm đau nên mất thu nhập. Nghiên cứu ghi nhận nhiều trường hợp người lao động ngoài trời giảm thu nhập 40-50% trong những tháng cao điểm nắng nóng.
Tỉ lệ lao động ngoài trời có sức khỏe bình thường rất thấp (Nguồn: Social Life).
Xây dựng quỹ hỗ trợ
Nghiên cứu của Social Life đã phát hiện những khoảng trống đáng kể trong chính sách bảo vệ người lao động ngoài trời trước tác động của biến đổi khí hậu.
Từ phía người sử dụng lao động, hỗ trợ còn rất hạn chế, chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân cơ bản. Đặc biệt, với nhóm lao động tự do như người bán hàng rong, xe ôm công nghệ, gần như không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị: "Trước hết, cần thiết lập một quỹ hỗ trợ thu nhập khẩn cấp dành riêng cho người lao động ngoài trời trong những ngày thời tiết cực đoan".
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết tổ chức Công đoàn TP HCM đã tập hợp lao động tự do, đặc biệt là lao động ngoài trời vào các nghiệp đoàn. Tính đến nay, các cấp Công đoàn TP HCM đã thành lập 148 nghiệp đoàn, phát triển gần 15.074 đoàn viên.
Song song với tập hợp người lao động vào nghiệp đoàn, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến đoàn viên như vận động tặng sổ BHXH tự nguyện, BHYT, bảo hiểm tai nạn; thực hiện chương trình "Phúc lợi đoàn viên"; thăm hỏi, hỗ trợ khó khăn, ốm đau; tổ chức ôn luyện nâng cao tay nghề; tuyên truyền pháp luật cũng như hỗ trợ pháp lý miễn phí...
Đặc biệt, Công đoàn TP HCM phối hợp các đơn vị thành lập 10 "Điểm dừng chân miễn phí" cho đoàn viên các nghiệp đoàn xe ôm. Điểm dừng chân có chỗ đậu xe, nhà vệ sinh, phục vụ nước giải khát, cà phê với giá bình dân cho tài xế. Ngoài ra, đoàn viên các nghiệp đoàn còn được sử dụng nước nóng, lạnh và wifi miễn phí.
Điểm dừng chân không chỉ dành riêng cho các tài xế xe ôm mà còn mở ra cho tất cả bà con lao động có nhu cầu tìm nơi nghỉ ngơi, tránh nóng. Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể sử dụng các dịch vụ cộng đồng miễn phí tại đây.
"Điều này giúp cho cộng đồng tài xế xe ôm và những người lao động khác có thêm một nơi an toàn, tiện nghi để nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe" - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM Phùng Thái Quang cho hay.
Bình luận (0)