xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Leo thang nguy hiểm trên biển Đông

VŨ THANH CA

Để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia ở khu vực biển Đông phải đoàn kết, tuân thủ tốt luật pháp quốc tế và kiềm chế để tránh xung đột

Trong những ngày qua, dư luận quốc tế và Việt Nam quan ngại sâu sắc những căng thẳng mới, có dấu hiệu đang leo thang trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.

Gia tăng hoạt động đe dọa

Ngày 17-6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc trang bị vũ khí thô sơ đã tấn công xuồng của Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên bãi Cỏ Mây, cướp trang thiết bị, đập phá xuồng và làm bị thương 8 quân nhân Philippines.

 Trước đó, các tàu hải cảnh Trung Quốc nhiều lần ngăn chặn xuồng tiếp tế cho lực lượng đồn trú của Philippines trên bãi Cỏ Mây, thậm chí hải cảnh Trung Quốc có lần đã chiếu laser vào thủy thủ Philippines, ném xuống biển hàng hóa mà Philippines chuyên chở tới khu vực tranh chấp này.

Để đáp trả, Chính phủ Philippines tuyên bố đã nộp "Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa ở biển Đông" có chiều rộng 350 hải lý ngoài khơi phía Tây của tỉnh Palawan của nước này lên Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc. Philippines cũng tăng cường các hoạt động ngoại giao, tuyên truyền về hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Philippines, cũng như tăng cường mua sắm thêm phương tiện, vũ khí, tham gia tập trận trên biển cùng các đồng minh.

Leo thang nguy hiểm trên biển Đông- Ảnh 1.

Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam. Trong ảnh: Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: BÙI PHAN THẢO

Trong khi đó, Mỹ tái khẳng định sẽ áp dụng Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) đối với biển Đông và cam kết hỗ trợ Manila trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang. Nhà chức trách Mỹ cho rằng "một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng vũ trang, tàu công vụ, máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ của Mỹ theo MDT".

Trở lại diễn biến vụ việc, có thể thấy hành động nêu trên của Trung Quốc là một bước leo thang mới trên biển Đông. Sau khi ban hành Luật Hải cảnh vào năm 2021, gần đây, Trung Quốc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật, trong đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, từ ngày 15-6, nước này cho phép lực lượng hải cảnh bắt và giam giữ người nước ngoài "xâm phạm" vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.

Không chỉ vi phạm vùng biển Philippines, từ năm 2016, sau khi Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 đã phán quyết rằng tuyên bố về "quyền lịch sử" của Trung Quốc đối với vùng nước nằm trong "đường lưỡi bò" trên biển Đông là không có cơ sở pháp lý, Trung Quốc gia tăng các hoạt động đe dọa nhằm từng bước vô hiệu hóa phán quyết này.

Vào các năm 2019-2020, Trung Quốc phái tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào thăm dò địa chấn tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam và các quốc gia như Malaysia, Philippines, Indonesia. Tháng 5 năm nay, Trung Quốc lại cho tàu Hải Dương 26 vào khảo sát trái phép trong vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi bị Việt Nam phản đối, tàu Hải Dương 26 đã rút về nước.

Lộ rõ "chiến thuật vùng xám"

Trung Quốc từ lâu áp dụng "chiến thuật vùng xám" nhằm từng bước độc chiếm biển Đông. Nội dung chính của chiến thuật này là sử dụng lực lượng vũ trang không chính quy để quấy rối, gây căng thẳng nhưng không tới mức tạo ra xung đột vũ trang.

Lực lượng trên biển mà Trung Quốc sử dụng trong "chiến thuật vùng xám" có nhiều lớp. Lớp trong cùng là lực lượng dân quân biển trá hình thành ngư dân hoạt động trên các tàu cá có vũ trang. Đây là những tàu cá rất lớn, được trang bị vũ khí để tham gia hỗ trợ tàu chấp pháp của Trung Quốc bao vây, tấn công và tự vệ khi cần thiết. 

Các tàu này cũng được trang bị một số phương tiện, có thể đánh bắt hải sản nhưng nhiệm vụ chủ yếu là gây rối, thậm chí đâm va tàu cá và tàu thực thi pháp luật hợp pháp của các nước. Các tàu này chịu sự điều phối chung của hải quân và hải cảnh Trung Quốc, thường xuyên neo đậu tại chỗ thành từng nhóm với mục đích sẵn sàng hỗ trợ tàu Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng biển các nước.

Bên ngoài của lớp dân quân biển là lớp tàu hải cảnh. Lớp này hoạt động mạnh mẽ trên biển Đông trong nhiều năm gần đây, nhiều lần chủ động đâm chìm các tàu cá Việt Nam và một số nước, cũng như thực hiện nhiều hoạt động trái với luật pháp quốc tế. Lớp ngoài cùng của "chiến thuật vùng xám" là lực lượng hải quân, sẵn sàng tiếp ứng hai lực lượng còn lại nếu như hai lực lượng này không đủ sức kiểm soát tình hình trên biển.

Xung đột Trung Quốc - Philippines lần này là một ví dụ điển hình của việc Trung Quốc áp dụng "chiến thuật vùng xám". Tuy nhiên, cũng có những điểm khác biệt với các xung đột trước đây. Đó là trong các tranh chấp trên biển trước đây, cả 3 lớp lực lượng của Trung Quốc hỗ trợ, bọc lót cho nhau rất tốt. Thí dụ, trong vụ giàn khoan Hải dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam 10 năm trước, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã khá thành công trong việc đâm va, quấy phá, ngăn chặn lực lượng thực thi pháp luật của chúng ta tiếp cận giàn khoan.

 Trong các vụ ngăn chặn lực lượng thực thi pháp luật của Philippines tiếp cận và bảo vệ bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough trước đây, Trung Quốc cũng sử dụng một lực lượng rất lớn dân quân biển và đã ngăn chặn thành công ngư dân và lực lượng thực thi pháp luật của Philippines tiếp cận các khu vực biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà Trung Quốc muốn chiếm giữ.

Còn hiện nay, như trong các vụ va chạm với lực lượng thực thi pháp luật của Philippines, Trung Quốc chỉ sử dụng lực lượng hải cảnh và đã mang vũ khí thô sơ nhảy lên xuồng của Philippines để đánh người, đập phá. Như vậy, có thể thấy, sau khi Luật Hải cảnh ra đời, Trung Quốc đã có những điều chỉnh, leo thang trong "chiến thuật vùng xám" để có thể ngang nhiên tuyên bố với thế giới rằng "lực lượng chấp pháp của Trung Quốc đã tuân thủ pháp luật của Trung Quốc trong vùng biển của Trung Quốc".

Tuân thủ luật pháp quốc tế

Cần chú ý rằng, không chỉ xâm phạm vùng biển của Philippines, Trung Quốc còn xâm phạm vùng biển của các quốc gia khác, đặc biệt là vùng biển Việt Nam. Nếu các quốc gia trong khu vực không có biệp pháp đáp trả thích đáng, Trung Quốc sẽ ngày càng lấn tới, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao, gây phức tạp tình hình.

Nên biết rằng khi xung đột giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra trên biển, Mỹ sẽ kích hoạt MDT. Khi đó, không chỉ Philippines mà Trung Quốc và các nước xung quanh biển Đông cũng như các quốc gia Đông Á khác sẽ gánh chịu những thiệt hại vô cùng lớn. Một khi để xung đột leo thang, khó tránh khỏi việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó tạo nên một làn sóng suy thoái kinh tế thế giới. Như vậy, các vụ việc căng thẳng vừa xảy ra giữa Trung Quốc, Philippines, kể cả Mỹ sẽ không còn là "chuyện riêng" của 3 quốc gia này, mà trở thành mối lo chung của các nước ASEAN, toàn thế giới.

Để bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định, trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không và phát triển bền vững, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia xung quanh biển Đông, tất cả các quốc gia ở khu vực này phải đoàn kết, tuân thủ tốt luật pháp quốc tế và kiềm chế để xung đột.

Ngoài ra, phải thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao, gặp gỡ, trao đổi cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc để tăng cường hiểu biết. Song song đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trong mỗi quốc gia và khu vực, quốc tế để làm rõ những thiệt hại mà mỗi quốc gia phải gánh chịu nếu xung đột leo thang, nhằm tạo sự đồng thuận và mối đoàn kết cao nhất.

Một quốc gia, thậm chí là cường quốc, không thể bất chấp luật pháp quốc tế và gây hấn với cả một cộng đồng quốc gia khu vực và quốc tế! 

Việt Nam đề nghị hành xử phù hợp luật pháp quốc tế

Liên quan đến vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu tiếp tế của Philippines ở Bãi Cỏ Mây, ngày 21-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam theo dõi chặt chẽ và quan ngại sâu sắc trước những thông tin này. Việt Nam đề nghị các bên liên quan kiềm chế tối đa, hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia ven biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Trước đó, ngày 20-6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam về việc Philippines vừa đệ trình "Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa ở biển Đông" lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc, bà Phạm Thu Hằng nêu rõ: Các quốc gia ven biển thành viên của UNCLOS 1982 có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982. Tuy nhiên, khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa cần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia ven biển liên quan khác có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền.

"Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982" - bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

B.T.Ngọc


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo