Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao", đại diện Tỉnh ủy Long An cho biết công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định.
Học tập trong môi trường hiện đại
Công tác truyền thông tuyên truyền được quan tâm phối hợp thực hiện đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và xã hội về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực có tay nghề cao, từ đó thu hút nhiều lao động tham gia học nghề.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được rà soát, sáp nhập để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đa dạng về hình thức, ngành nghề, trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, hình thành một số trường có năng lực đào tạo các nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế.
Công tác xã hội hóa đem lại kết quả bước đầu đã thu hút được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy mô tuyển sinh đào tạo hằng năm tăng lên đã nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 60,21% năm 2015, đến nay là 75,63% (tăng 15,42%), qua đó đã tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đội ngũ nhà giáo tăng về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, đạt chuẩn theo quy định để giảng dạy. Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo được đổi mới; công tác kiểm định chất lượng được quan tâm thực hiện nên chất lượng giáo dục nghề nghiệp được cải thiện.
Cơ chế tài chính được đổi mới theo hướng trao quyền tự chủ về chi thường xuyên đã nâng cao hiệu quả hoạt động, hiệu quả đầu tư ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Việc phối hợp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bước đầu hình thành và vận hành trong thực tiễn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, đào tạo lại, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.
Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu được triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại để sẵn sàng tham gia thị trường lao động khu vực và quốc tế sau tốt nghiệp.
Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Đối với việc đổi mới hoàn thiện cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực, đào tạo nhân lực tay nghề cao giai đoạn 2014 - 2024, ngân sách tỉnh đã đầu tư hơn 271 tỉ đồng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự đầu tư khoảng 100 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề.
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đã đề xuất trung ương bố trí vốn ODA của Chính phủ Đức đối với dự án Chương trình đào tạo nghề 2008 cho Trường Cao đẳng nghề Long An để mua sắm thiết bị phục vụ việc đào tạo của trường với tổng giá trị 48 tỉ đồng.
Đến nay, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo hiện tại. Trang thiết bị đào tạo đã được đầu tư theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, cơ bản đáp ứng được quy mô đào tạo và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phần lớn thiết bị đào tạo được đưa vào sử dụng để giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động của tỉnh.
Từ năm 2014 đến nay, có 2 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục được thành lập và 1 doanh nghiệp đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 8/13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục đang hoạt động, chiếm tỉ lệ 61,53%.
Năm 2015, tỉnh ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, UBND tỉnh ban hành giá dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và ủy quyền cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt hàng cho Trường Cao đẳng Long An đào tạo 253 sinh viên trình độ cao đẳng (với kinh phí gần 12 tỉ đồng) nhằm thu hút học sinh sau tốt nghiệp trung học phổ thông vào học trình độ cao đẳng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và hội nhập của tỉnh.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Thời gian qua, tỉnh Long An có nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác với các nước, vùng lãnh thổ và các địa phương nước ngoài, nhất là thực hiện các nội dung đã ký kết, hợp tác sau các đoàn công tác tại Nga, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... nhằm góp phần thúc đẩy phát triền kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và việc làm, tỉnh đã giới thiệu hợp tác đầu tư với Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của tỉnh, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp lao động có chất lượng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Long An cũng như đào tạo nguồn nhân lực đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Bình luận (0)