Ông Trương Minh Thuần, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, cho biết từ năm 2016, An Giang triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số nhằm khai thác tối ưu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước cũng như phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.
Người dân là trung tâm
Trong đó, An Giang ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính – ngân hàng, năng lượng, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải và logistics.
Ông Trương Minh Thuần là người có công lớn trong thực hiện chương trình chuyển đổi số ở An Giang.
Qua gần 5 năm thực hiện, An Giang đã đạt nhiều kết quả quan trọng như hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin phát triển đồng bộ, rộng khắp với các giải pháp, phần mềm được ứng dụng hiệu quả, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Mạng truyền số liệu chuyên dùng An Giang đã triển khai đến tất cả 156 xã, phường, thị trấn; 100% cơ quan ban ngành trong toàn tỉnh được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan, nhà nước, đảm bảo tổ chức hội nghị truyền hình từ Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành đến các UBND huyện, thị, thành phố.
Tỉnh đã triển khai hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông 17 sở, ngành, 11/11 UBND huyện, thị xã, thành phố, 156 xã phường. Đến nay, tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh đạt 73,10%, tỉ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn 97%. Từ đó góp phần nâng kết quả chỉ số cải cách hành chính. Nếu như năm 2017, An Giang xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc so với năm 2016) thì đến năm 2019 đã xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hiện đại hóa nền hành chính.
Kết quả này, đã đưa An Giang thuộc nhóm A và đứng đầu 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Nhờ vậy mà trong năm 2019 vừa qua, An Giang được xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thuộc nhóm điều hành khá.
Nhiều đơn vị viễn thông đã ký kết đồng hành cùng An Giang trong việc xây dựng chính quyền số cùng rất nhiều lĩnh vực khác.
"Hiện, An Giang có một cổng thông tin điện tử tỉnh và 33 cổng thông tin điện tử thành phần (22 sở, ban, ngành và 11 UBND huyện, thị xã, thành phố) để cung cấp thông tin hoặc tuyên truyền thường xuyên các hoạt động chuyên ngành, cải cách hành chính, quản lý nhà nước. Đặc biệt, hệ thống phần mềm một cửa điện tử của tỉnh có chức năng thống kê kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nên người dân và doanh nghiệp có thể tra cứu tình trạng cũng như kết quả giải quyết hồ sơ TTHC. Đây cũng được xem là kênh cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận và nắm bắt các thông tin. Từ đó, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí trong công việc thường ngày"- ông Thuần chia sẻ.
Nơi đáng sống
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang, cho rằng xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, phù hợp với nhu cầu.
Cơ quan nhà nước chỉ đạo, điều hành trên dữ liệu thực (các hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý được cập nhật, làm mới theo thời gian thực). Thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; tạo động lực phát triển xã hội số góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiều cá nhân đã được UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen vì có thành tích đóng góp trong chuyển đổi số cũng như giúp nâng cao chỉ số cải cách hành chính ở các cấp.
Chính quyền số là giải pháp quan trọng đối với cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm thiểu nỗ lực cho cả Chính phủ và người dân. Việc xây dựng chính quyền số tạo ra các giá trị mới, nâng cao chất lượng dịch vụ công, giúp các chính quyền minh bạch và hiệu quả hơn. Trong khi đó, dữ liệu mở sẽ tạo động lực cho phép mọi người truy cập và sử dụng dữ liệu, giúp thông tin được nhanh chóng, chính xác, tạo các cơ hội lớn để phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính sẽ tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư nhằm đưa An Giang trở thành nơi đáng sống, điểm đến của du khách và nhà đầu tư. Việc triển khai chính quyền số tỉnh An Giang sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc. Từ đó, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
"Hạ tầng CNTT và viễn thông trở nên quan trọng và gắn kết chặt chẽ mọi mặt kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh chính quyền và doanh nghiệp; giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2030, An Giang phát triển, đáng sống, thịnh vượng, văn minh; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền, hướng đến xây dựng chính quyền số; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, kinh tế số"- ông Thuần kỳ vọng.
Bình luận (0)