Đến cơ sở nem Út Thẳng (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), có thể thấy không khí làm việc hối hả của hơn 40 công nhân, từ khâu chọn lá đến làm thịt nem, gói nem và buộc nem thành chùm.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Bà Nguyễn Thị Ngân, chủ cơ sở nem Út Thẳng, cho biết: "Từ tháng trước, cơ sở phải tăng công suất mới mong đủ nem cung cấp cho các đại lý. Hiện trung bình cơ sở sản xuất khoảng 4.000 - 5.000 chiếc nem/ngày. Mặc dù giá thịt heo tăng mạnh nhưng cơ sở vẫn cố gắng duy trì việc sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường. Dù áp lực công việc nhiều nhưng các cơ sở làm nem truyền thống như chúng tôi luôn đặt tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu, vì hiểu thương hiệu nem Lai Vung được nhiều người ưa chuộng không chỉ cái tên mà từ chất lượng sản phẩm".
Làng nghề khô, mắm tại vùng biên giới Hồng Ngự chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: TÂM MINH
Theo các chủ lò nem tại Lai Vung, bí quyết làm nên một chiếc nem ngon chính là phần chọn thịt heo và tỉ lệ thịt, da heo, sau đó mới tới gia vị. Chọn được thịt heo ngon thì đưa vào cối đá quết nhuyễn, da heo được thái nhỏ thành từng miếng, rồi trộn lẫn các thứ thịt, bì, tiêu, ớt và lót kèm lá vông, sau đó gói lại bằng lá chuối, để vài ngày cho lên men.
Không khí ở làng nghề khô, mắm thuộc thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) cũng tấp nập. Tại cơ sở khô cá lóc Út Á (phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự), hàng chục nhân công đang khẩn trương gia công cá lóc nguyên liệu để chuẩn bị cho việc phối trộn, ướp khô. Cùng đó, hàng chục bạn hàng từ khắp nơi đến để đặt hàng phân phối cho các tỉnh, thành trong cả nước.
Vừa giao hàng xong cho khách, ông Trần Văn Á, chủ cơ sở khô cá lóc Út Á, cẩn thận đặt từng con cá lóc xẻ đôi đã thành phẩm vào máy hút chân không. Hiện giá cá lóc nguyên liệu khoảng 34.000 - 35.000 đồng/kg, mỗi ngày cơ sở của ông sản xuất khoảng 1 tấn cá lóc nguyên liệu để làm khô. Ông Á nói: "Hiện tại, tôi cùng các thành viên đang tăng cường sản xuất các sản phẩm khô, mắm phục vụ thị trường Tết. Song, do giá cá nguyên liệu tăng nên sản phẩm khô, mắm sẽ tăng theo. Bên cạnh việc sản xuất, tôi cũng chú trọng nhiều ở khâu chất lượng để bảo đảm thương hiệu khô, mắm cho địa phương".
Còn theo bà Bùi Thị Hường (ngụ phường An Lạc), giá khô cá lóc năm nay vẫn như năm trước, loại 1 giá 150.000 - 160.000 đồng/kg.
Không tăng giá để giữ mối
Dọc tuyến đường ven phường Tân Thành, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau trong những ngày này, đâu đâu cũng gặp hình ảnh người dân tất bật nổ cốm, ngào cốm…
Theo một số người dân lớn tuổi, nghề làm cốm gạo ở đây có từ rất lâu đời. Trước đó, người dân chủ yếu làm cốm để phục vụ trong gia đình; làm quà biếu vào các dịp lễ Tết, đám cưới… Những năm gần đây, trước nhu cầu của thị trường, nhiều người có tâm huyết với nghề ở làng cốm Tân Thành đã mở rộng sản xuất với mong muốn giữ nghề để đưa món ăn dân dã, bình dị đến với nhiều người.
Nghề làm cốm vất vả do lao động phải thường xuyên tiếp xúc với lửa, ngồi trong thời gian dài. Vào dịp Tết, số lượng cốm thành phẩm cung ứng ra thị trường rất lớn nên bếp lửa của người làm cốm Tân Thành luôn đỏ rực bất kể ngày, đêm. Bà Trần Thị Nâu (63 tuổi; ngụ khóm 5, phường Tân Thành), người có thâm niên mấy chục năm trong nghề ở làng cốm Tân Thành, chia sẻ: "Hiện mỗi ngày tôi bán được trên dưới 30 kg cốm gạo ngào thành phẩm với giá 50.000 đồng/kg. Trong tháng 12 âm lịch, cốm sẽ bán rất nhanh, mỗi ngày tôi có thể bán khoảng 100 kg. Qua đó, tôi thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng để lo cho gia đình có cái Tết tươm tất hơn".
Theo bà Nâu, trước khi ngào cốm, người thợ phải rang cốm nổ thật đều tay trên chảo lửa khoảng 5 phút; sau đó cho đường cát, hành lá, gừng xắt mỏng (tùy yêu cầu của thực khách), nước… vào chảo rồi thắng hỗn hợp trên khoảng 15 phút trong lửa nhỏ. Khi đường chuyển sang màu vàng nhạt thì cho cốm nổ vào ngào thật nhanh và đều tay để cốm không dính nhau. Lúc này, cho cốm vào khuôn bằng gỗ, thêm đậu phộng và dùng chai thủy tinh cán đều. Tiếp theo là cắt cốm ra thành từng miếng nhỏ để cho vào bịch ni-lông.
Tuy giá nguyên liệu làm cốm tăng song các hộ làm cốm phường Tân Thành vẫn không tăng giá để giữ mối.
Đầu ra của cốm ổn định
Bà Huỳnh Thị Vis Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Tân Thành, cho biết nghề làm cốm gạo giúp giải quyết việc làm và tạo thêm thu nhập cho nhiều hộ nông nhàn trong tổ làm cốm của địa phương. Thời gian cận Tết, nhu cầu mua cốm trong người dân tăng mạnh, đầu ra ổn định nên các tổ viên luôn làm tất bật để đủ hàng bán ra thị trường. "Đặc biệt, nghề làm cốm còn góp phần hạn chế tình trạng người dân địa phương bỏ nhà, bỏ quê lên các tỉnh - thành khác để làm thuê" - bà Phương nói.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)