Giá Rai là đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Bạc Liêu, sau TP Bạc Liêu. Năm 2015, huyện Giá Rai được công nhận đô thị loại 4, thành thị xã Giá Rai. Những năm qua, đô thị này không ngừng phát triển, mật độ dân số ngày càng tăng, áp lực rác thải sinh hoạt cũng tăng lên từng ngày.
Trước áp lực lượng rác thải sinh hoạt hàng chục tấn mỗi ngày, thị xã Giá Rai phải áp dụng phương pháp thủ công để xử lý
Ông Đỗ Minh Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, cho biết thị xã đang chuẩn bị lên đô thị loại 3 trong năm tới và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối của thị xã hiện nay là chưa có bãi rác tập trung quy mô lớn để đảm bảo chứa và xử lý lượng rác sinh hoạt hằng ngày ước tính khoảng 40 tấn.
"Từ khi chia tách huyện, bãi rác tập trung nằm ở huyện Đông Hải, còn Giá Rai 20 năm qua chưa có bãi rác tập trung đảm bảo quy mô và nhu cầu xử lý rác sinh hoạt hằng ngày. Nhiều năm nay, rác sinh hoạt của Giá Rai phải đổ nhờ bãi rác của huyện Đông Hải, nằm cách thị xã gần 30km. Hiện nay, bãi rác này cũng quá tải, không còn tiếp nhận được lượng rác lớn của toàn thị xã. Trong khi những bãi rác tạm của thị xã cũng quá tải. Giá Rai đang quy hoạch bãi rác tập trung hơn 7,5 ha tại xã Tân Phong, đồng thời kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác hiện đại"- ông Thắng thông tin.
Bãi rác tập trung đã được quy hoạch ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai nhưng địa phương chưa tập kết rác vào được vì người dân sống gần khu vực này chưa đồng tình
Theo Trung tâm Dịch vụ đô thị thị xã Giá Rai, để giải quyết trước mắt lượng rác 40 tấn/ngày, thị xã không có phương pháp nào khả thi hơn là tạm thời tập trung rác về địa điểm quy hoạch, dùng phương pháp chôn lấp và xử lý hóa chất, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư lân cận.
"Vấn đề nan giải hiện nay là nếu không có nơi tập kết thì lượng rác 40 tấn/ngày không biết phải tập kết ở đâu, trong khi người dân sống gần khu vực quy hoạch bãi rác tập trung lại không đồng tình cho địa phương đưa rác vào bãi tập kết. Bà con cho rằng bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Chúng tôi đã ra sức vận động, thuyết phục, mong bà con chia sẻ khó khăn, đồng thời cam kết sẽ xử lý không để ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con" - ông Nguyễn Song Nguyễn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đô thị thị xã Giá Rai, nhấn mạnh.
Địa phương làm rào chắn quanh khu vực tập kết rác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Theo quan sát của phóng viên Báo Người Lao Động, địa điểm quy hoạch bãi rác tập trung của thị xã Giá Rai nằm cách khu dân cư khoảng 200m. Trước đây, nơi này là khu trại giam, rồi chuyển đổi công năng thành Trung tâm Bảo trợ xã hội và đã dừng hoạt động. Hiện địa phương đã che chắn và đào hố chôn lấp rác nhưng chưa đưa rác vào được do người dân phản đối. Lượng rác 40 tấn/ngày phải đổ tạm rải rác khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bà Huỳnh Ngọc Vạn (ngụ xã Tân Phong), có nhà cách khu quy hoạch bãi rác tập trung của thị xã Giá Rai khoảng 200m, cho biết vì lo ngại ô nhiễm nên không đồng tình với việc thành lập bãi rác nơi đây. Tuy nhiên, nếu chính quyền địa phương đảm bảo được vấn đề môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống của dân thì người dân đồng tình.
"Năm trước, khi nhà nước cho đổ rác, khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng, ruồi nhặng xuất hiện rất nhiều nên chúng tôi không cho xe chở rác vào. Nếu có cách xử lý bài bản, hạn chế tối đa ô nhiễm thì chúng tôi không có lý do phản đối" - bà Vạn bày tỏ.
Bà Huỳnh Ngọc Vạn cho biết sẵn sàng chia sẻ nếu chính quyền địa phương đảm bảo việc xử lý rác không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân
Theo ông Đỗ Minh Thắng, trước mắt, địa phương không có biện pháp nào khác là phải có nơi xử lý rác tạm thời trong thời gian kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác. "Vấn đề rác thải sinh hoạt của thị xã hiện rất bức xúc và nan giải. Chúng tôi rất mong người dân thấu hiểu và chia sẻ vì môi trường chung của thị xã. Ngành chức năng sẽ có biện pháp xử lý môi trường triệt để, không ảnh hưởng đến bà con xung quanh" - ông Thắng khẳng định.
Bình luận (0)