Những ngày này, dạo quanh một số khu vực tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, dễ dàng bắt gặp những người mang dụng cụ kích điện để đánh bắt cá. Nơi nào những người này đi qua, nơi đó không còn một móng cá vì bị điện giật chết.
Chích điện tràn lan
Ông T.V.H (ngụ xã Thông Bình, huyện Tân Hồng) chuyên làm nghề bắt cá bằng xung điện. Gần như khắp các cánh đồng ở huyện Tân Hồng đều có mặt ông. Gặp chúng tôi giữa đồng, ông H. khoe: "Cứ rảnh là tôi lại mang dụng cụ này để làm kế sinh nhai. Vì đây là giai đoạn nước ở các kênh, mương, ao hồ chuẩn bị lên cao nên việc kích điện sẽ hiệu quả hơn. Mùa này cá cũng sinh sôi, nảy nở nhiều hơn".
Đang đêm, giữa đồng không mông quạnh ở xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đèn pin thi nhau quét qua từng con mương, kênh rạch. Cả chục người dùng dụng cụ xung điện, kích điện để bắt cá. Thiết bị khá đơn giản, chỉ một bình ắc-quy khoảng 12V, được gắn với một bộ phận kích điện, nối dây dẫn điện xuống 2 cần tre dài khoảng 2 m, có gắn thanh sắt nhọn và vợt sắt. Chỉ cần bật công tắc, dòng điện cao áp chạy qua, tất cả sinh vật ở dưới nước nằm trong bán kính từ 1,5-2 m đều bị hủy diệt.
Nhiều người ở ĐBSCL vẫn thản nhiên sử dụng xung điện đánh bắt thủy sản, bất chấp quy định Ảnh: NGỌC TRINH
Việc sử dụng bình ắc-quy và bộ kích điện như vậy để đánh bắt cá xuất hiện từ lâu và đang trở thành công cụ mưu sinh của nhiều gia đình ở ĐBSCL. Người dân có thể tự mua bình ắc-quy và dây điện về tự chế tạo hoặc mua bộ kích điện bán sẵn với giá khoảng 1-2 triệu đồng/bộ là có ngay dụng cụ thành nghề.
Đáng nói là dù biết pháp luật hiện hành nghiêm cấm nhưng ở khắp ĐBSCL, tình trạng người dân, ghe tàu dùng dụng cụ kích điện đánh bắt cá vẫn diễn ra khá phổ biến. Cơ quan chức năng nếu phát hiện cũng khó có thể xử lý vì đa phần những người hành nghề này đều nghèo. Gặp ông L.V.H (ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đang đánh bắt cá trên sông Hậu, ông thổ lộ: "Tôi biết việc chích điện bắt cá sẽ bị phạt nhưng nghèo quá, bất đắc dĩ tôi mới đi cào cá".
Ghe cào của ông H. sử dụng lưới có mắt lưới rất nhỏ, gắn dinamo phát điện 220V. Công suất phát đủ lớn với nguồn điện áp cao, ghe của ông H. tới đâu cá chết nổi bụng lên mặt nước tới đó.
Ảnh hưởng hệ sinh thái
Theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, hành vi này bị phạt từ 3-5 triệu đồng đối với trường hợp không sử dụng tàu cá; từ 15-20 triệu đồng đối với tàu cá dưới 12 m và từ 30-40 triệu đồng đối với tàu cá từ 15 m sử dụng công cụ kích điện từ máy phát điện trên tàu. Riêng hành vi dùng điện lưới để khai thác nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phạt 40-50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, việc sử dụng công cụ kích điện để đánh bắt thủy sản khiến cá, tôm hay sinh vật phù du bị hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản không thể tái tạo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái đa dạng của vùng ĐBSCL.
Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, giáo dục về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền nhằm kéo giảm tình trạng này. Có như vậy, môi trường mới được bảo vệ, nguồn lợi thủy sản mới được bảo tồn và khai thác hiệu quả. Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân" - ông Thiện nhấn mạnh.
GS-TS VÕ TÒNG XUÂN, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ:
Tự "giết" mình
Từ hàng chục năm qua, Campuchia áp dụng rất nghiêm ngặt lệnh cấm bắt cá với quy mô lớn từ tháng 6 đến cuối tháng 9 hằng năm. Trong thời điểm này, ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị xử lý từ mức phạt tiền, buộc đi học luật bảo vệ môi trường đến phạt tù giam. Đất nước Campuchia đa phần theo đạo Phật nên họ có quan điểm là tuyệt đối không ăn những con cá còn nhỏ. Khi bắt được cá nhỏ, họ bỏ xuống nước trở lại, chờ tới lớn mới bắt. Còn nếu ăn cá có trứng thì họ xem như đã giết rất nhiều cá con. Do vậy, họ rất tuân thủ quy định cấm. Còn ở Việt Nam, người dân vùng nông thôn đa phần là nghèo, không làm đúng khoa học, không ý thức gìn giữ môi trường, chỉ biết cái lợi trước mắt chứ không nghĩ tới lợi ích lâu dài, lợi ích cho xã hội.
Ở Nhật Bản, quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn gắt gao hơn. Mỗi thành viên trong một cộng đồng luôn tuân thủ một hương ước của cộng đồng đó. Chẳng hạn, vùng này chỉ được khai thác nguồn lợi thủy sản như thế nào thì thành viên trong vùng đó phải tuân thủ theo. Người ngoài cộng đồng vào đó làm tự do thì sẽ bị thành viên trong cộng đồng đó ngăn cản. Hàng trăm năm trước, họ cũng khai thác kiểu tận diệt như mình nhưng khi luật lệ của địa phương, hương ước của dân làng ra đời thì họ chấp hành rất cao. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ dân làng giữ vững hương ước đó theo kiểu "phép vua thu lệ làng" như ở mình thường nói. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản ở mỗi địa phương, mỗi vùng được bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần mang lại cái lợi chung cho cộng đồng cư dân ở đó.
Bà con nông dân mình cũng phải thấy rằng việc khai thác nguồn lợi thủy sản một cách vô tội vạ như lâu nay là tự "giết" chết mình. Bởi lẽ, người khác thấy mình làm được thì họ cũng làm theo. Từ đó dẫn đến phá vỡ sự cân bằng, sự bền vững của môi trường, của nguồn lợi thủy sản" - GS-TS Võ Tòng Xuân khuyến cáo.
Bình luận (0)